Năm 2024, tỉnh Đồng Nai làm Trưởng ban Điều phối thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành chương trình hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ.
Ngày 26/12, tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ năm 2024.
Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thời gian qua, ngành du lịch các địa phương có nhiều nỗ lực khai thác lợi thế cạnh tranh để tạo những sản phẩm du lịch liên kết.
Các địa phương cũng thu hút hàng ngàn tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp để nâng cấp, đầu tư sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Năm 2024, các tỉnh, thành trong vùng đón hơn 73,7 triệu lượt khách, tăng 12,6 % so với năm 2023. Tổng doanh thu du lịch năm 2024 đạt 215.178 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, du lịch Đông Nam bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều dự án trọng điểm về du lịch của các địa phương chậm tiến độ. Đặc biệt là các dự án triển khai liên quan đến các loại hình du lịch nông nghiệp.
Đông Nam bộ chưa có chính sách giá kích cầu, khuyến mãi thật sự đủ mạnh để tạo sức hút đối với các công ty du lịch thực hiện giá tour trọn gói hấp dẫn.
Việc liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch giữa các địa phương với nhau chưa thật sự đi vào chiều sâu, sản phẩm du lịch chung của vùng chưa hình thành rõ rệt.
Theo ông Hùng, sản phẩm du lịch tuy được cải thiện nhưng chưa nổi bật. Du lịch Đông Nam bộ thiếu các khu phức hợp vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - mua sắm - ẩm thực hiện đại, quy mô quốc tế.
Trong đó, sản phẩm du lịch đường sông còn thiếu bến thủy, cầu tàu; môi trường kênh rạch còn ô nhiễm nên có nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng. Ngay cả TP.HCM cũng chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế.
Ông Đỗ Phước Trung – Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, việc triển khai thỏa thuận hợp tác liên kết vùng còn khó khăn. Trong đó, công tác khảo sát phát triển sản phẩm du lịch, chương trình du lịch chung cho Đông Nam bộ chưa hiệu quả.
Các chương trình chỉ mới thực hiện tốt việc tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch do các tỉnh, thành tổ chức chứ chưa có sự liên kết trong công tác quảng bá hình ảnh chung của Đông Nam bộ.
"Vì thế, các địa phương cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp hình thành tour tuyến liên kết", ông Trung đề xuất.
Ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết, du lịch nông nghiệp công nghệ cao là một trong những sản phẩm có tiềm năng phát triển ở địa phương.
Mặc dù Bình Dương có cơ sở hạ tầng tốt nhưng việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao yêu cầu một hệ thống cơ sở vật chất chuyên biệt.
"Để thực hiện thành công, Bình Dương cần có chính sách kêu gọi đầu tư cũng như phối hợp, kết nối tốt hơn giữa các tỉnh thành trong vùng", ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM thì gợi ý cần phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe.
Trong bối cảnh du khách ngày càng chú trọng đến sức khỏe và sự cân bằng, các sản phẩm du lịch gắn liền với thiên nhiên như nghỉ dưỡng sinh thái, liệu pháp thảo dược hay các khu du lịch chữa lành có thể trở thành điểm nhấn của vùng.
"Vườn quốc gia Nam Cát Tiên hay các hồ nước lớn như hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng hoàn toàn có tiềm năng phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với các liệu pháp chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên", ông Dũng nói.