Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2022 - 2026, trung ương giao phải giảm được hơn 17.000 công chức, viên chức, nhưng tới thời điểm tháng 10/2024, cả nước đã giảm được hơn 16.000.
Đặc biệt, trong đợt tinh gọn và sáp nhập này sẽ có hàng nghìn công chức, viên chức sẽ tiếp tục rơi vào diện tinh giản biên chế. Nhiều công chức, viên chức quan tâm nhất lúc này là khi bị tinh giản biên chế, công chức, viên chức có bị trừ tỷ lệ lương hưu không?
Theo quy định Điều 5 Nghị định 29/2023/NĐ-CP, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu khi áp dụng chính sách tinh giản biên chế trong các trường hợp:
Công chức, viên chức có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH ban hành;
Hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 Nghị định 135/2020/NĐ-CP;
Công chức, viên chức có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Công chức, viên chức có tuổi tối thiểu thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
Hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ LĐTBXH ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Công chức, viên chức có tuổi tối thiểu thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (riêng nữ cán bộ, công chức cấp xã thì có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên).
Nữ cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu mà có đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài việc không bị trừ tỷ lệ lương hưu, công chức, viên chức trong diện tinh giản tùy vào độ tuổi về trước 2 hay 5 năm so với quy định còn được trợ cấp tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác có đóng BHXH bắt buộc, từ năm thứ 21 trở đi mỗi năm đóng BHXH được trợ cấp ½ tháng tiền lương.
Được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng để chuyển đổi việc làm nếu chuyển sang làm việc ở đơn vị ngoài, công ty không thuộc nhà nước. Ngoài ra còn tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi thôi việc, tự tìm việc mới và hưởng nguyên lương hiện hưởng, được đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian học nghề trong tối đa 6 tháng.
Trợ cấp kinh phí học nghề bằng chi phí khoá học tối đa 06 tháng lương hiện hưởng.
Trợ cấp ½ tháng lương bình quân cho mỗi năm công tác có đóng BHXH. Được tính công tác liên tục nhưng không tính thâm niên công tác để nâng bậc lương thường xuyên hàng năm.