Dân Việt

Vì sao HLV Kim Sang-sik tin tưởng Nguyễn Đình Triệu, đẩy Nguyễn Filip lên ghế dự bị?

Trần Oánh 29/12/2024 09:10 GMT+7
Có cảm giác Nguyễn Đình Triệu làm chủ khu 5m50 của mình tốt hơn các thủ môn hiện tại của Việt Nam. Không những thế, anh còn mở rộng vùng kiểm soát bằng các pha lao ra đấm bóng trong vòng 16m50 của mình.

Vì sao thủ môn Nguyễn Đình Triệu được bắt chính?

Khi ĐT Việt Nam chuẩn bị tập trung cho giải ASEAN Cup 2024, có nhiều dự đoán cho danh sách triệu tập của đội tuyển. Với cách chọn người của HLV Kim Sang-sik, rất khó đoán ông sẽ chọn những ai, và dự đoán chọn ai đó cho 1 vị trí cụ thể ở trên sân cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Duy chỉ có vị trí thủ môn của ĐT Việt Nam là các ý kiến thống nhất, không phải bàn cãi, Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm sẽ cạnh tranh nhau vị trí số 1.

Thế nhưng cho tới lúc này, sau 5 trận, thủ môn Nguyễn Đình Triệu mới là người ra sân nhiều nhất, khi đã bắt chính 3 trận, trong đó có trận bán kết với ĐT Singapore. Việc từ người đóng thế trở thành diễn viên chính của thủ môn Nguyễn Đình Triệu đã khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, nhất là khi anh chỉ sở hữu chiều cao 1m80, hoàn toàn bất lợi so với Nguyễn Filip có chiều cao là 1m92 (mới bắt chính 2 trận). Có nhiều yếu tố giải thích cho quyết định lựa cho sử dụng thủ môn này cho ĐT Việt Nam của HLV Kim Sang-sik. Ví dụ như phong độ thi đấu, vì HLV Kim Sang-sik được cho là luôn đề cao yếu tố phong độ hiện tại của cầu thủ, rồi yếu tố phù hợp cho việc khắc chế lối tấn công quen thuộc, phổ biến của đối phương, kiểu như với đội nào hay chơi bóng bổng, thường các HLV sẽ ưu tiên thủ môn có lợi thế chiều cao vậy.

Chúng ta sẽ cùng suy đoán các lý do mà HLV Kim Sang-sik dường như đang ưu tiên sử dụng thủ môn Nguyễn Đình Triệu.

Vì sau HLV Kim Sang-sik tin tưởng Đình Triệu? - Ảnh 1.

Nguyễn Đình Triệu đang chiếm được niềm tin từ HLV Kim Sang-sik. Ảnh: VFF.

Điểm lại các trận đấu của ĐT Việt Nam, kể cả dưới thời HLV Park Hang-seo, có rất nhiều lần đội bóng nhận bàn thua sau 1 tình huống lập bập, lộn xộn trước khung thành đội nhà. Khi bóng đã lập bập ở cửa cầu môn như vậy, thì người cao, chân tay dài như Nguyễn Filip hay Đặng Văn Lâm cũng không làm sao cản được các pha chọc chân dứt điểm, dù không mạnh của đội bạn.

Nhưng xem Nguyễn Đình Triệu thi đấu trong trận gặp ĐT Singapore vừa qua, dường như cách can thiệp sớm của anh vào các pha bóng bổng của đối phương hạn chế được các tình huống có thể dẫn đến các tình huống lập bập, lộn xộn khó kiểm soát trước khung thành. Có cảm giác Nguyễn Đình Triệu làm chủ khu 5m50 của mình tốt hơn các thủ môn hiện tại của Việt Nam. Không những thế, anh còn mở rộng vùng kiểm soát bằng các pha lao ra đấm bóng trong vòng 16m50.

Vậy tại sao các thủ môn khác, kiểu như Nguyễn Filip không hay thi đấu như vậy? Có thể do thói quen thi đấu, hoặc kết quả của quá trình đào tạo khiến cho Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Filip không có nhiều những pha lao ra can thiệp sớm như vậy. Vì thực tế, cách xử lý bóng của Nguyễn Đình Triệu cũng tiềm ẩn rủi ro, vì nếu phong độ không tốt, phán đoán sai hoặc bật nhảy lỡ nhịp, cầu môn ĐT Việt Nam lập tức bị đe dọa. Và điều quan trọng là hiện tại, phong độ của Nguyễn Đinh Triệu đang rất tốt.

Chúng ta có thể sử dụng phương pháp định lượng, căn cứ vào kết quả thi đấu, với thủ môn thì căn cứ vào việc không để thủng lưới, rồi đếm số pha họ cứu thua cho đội nhà để làm căn cứ đánh giá phong độ của thủ môn đó. Nhưng với HLV, họ sẽ không chỉ căn cứ vào điều đó, bởi vì để đội bóng thất bại xong mới đánh giá được phong độ thủ môn là hơi muộn.

Có một cách đánh giá kiểu định tính hơn, dựa vào cảm nhận nhiều hơn để đánh giá phong độ một vận động viên nói chung, trong mọi môn thể thao, đó là cảm nhận sự hưng phấn thi đấu của vận động viên đó. Như chúng ta biết, sự hưng phấn trong thi đấu giúp tăng cường sự tập trung cao độ của vận động viên đó vào các diễn biến của trận đấu, giúp họ quan sát tốt hơn, phán đoán nhanh hơn, và ra quyết định chuẩn xác hơn.

Trạng thái hưng phấn thể thao không phải lúc nào cũng có, đôi khi nó xuất hiện muộn, phải sau khi bắt đầu thi đấu một lúc, người ta vẫn gọi trạng thái này là "máy dầu", bốc muộn. Một đặc điểm nữa là người trẻ dễ tìm thấy trạng thái hưng phấn thể thao hơn người nhiều tuổi. Nhưng điểm chung của trạng thái tâm lý hưng phấn thể thao này là nó được thể hiện ra dáng vẻ, từ hành vi đến vẻ mặt, ánh mắt của vận động viên. Nhìn Nguyễn Đình Triệu thi đấu những trận vừa rồi, qua hành vi, vẻ mặt, ánh mắt của anh, chúng ta cảm nhận được hưng phấn thể thao xuất hiện mạnh mẽ trong thủ môn này. Chính sự hưng phấn đó giúp anh có các quyết định dứt khoát và chính xác mỗi khi ra vào cản phá bóng. Điều đó tạo nên phong độ thi đấu tốt nơi khung thành của ĐT Việt Nam.

Phải chăng đó là lý do HLV Kim Sang-sik tin dùng thủ môn này?