Du khách phấn khích học nấu món cổ truyền Việt Nam. Clip: Trung Hiếu.
10 giờ sáng, không khí tại một lớp học làm món ăn cổ truyền Việt Nam ở quận Ba Đình (Hà Nội) vô cùng nhộn nhịp. 9 du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã tập trung, sẵn sàng trải nghiệm hoạt động nấu nướng. Dọc theo chiếc bàn gỗ dài, các nguyên liệu tươi ngon được bày ra gọn gàng. Mỗi du khách đều tỏ ra phấn khích, ánh mắt đầy sự tò mò khi được khám phá ẩm thực Việt Nam.
Anh Sang Jin Ham (36 tuổi, đến từ Hàn Quốc) chăm chú theo dõi sự hướng dẫn của người đứng bếp. Trước mặt anh là một chiếc thớt gỗ, trên đó là những nguyên liệu tươi ngon để làm món bún chả: thịt lợn xay mịn, tỏi, hành, gia vị truyền thống. Anh cẩn thận trộn đều hỗn hợp, rồi cố gắng tạo hình sao cho mỗi miếng chả thật đều và đẹp mắt.
Vừa làm, anh vừa chia sẻ: “Đây là bước mà tôi cảm thấy rất thích thú và cũng đầy thử thách. Nặn chả không chỉ đơn giản là việc lấy một phần thịt đã tẩm ướp gia vị rồi vo tròn lại, mà còn phải tạo hình sao cho miếng chả vừa vặn, không quá dày cũng không quá mỏng. Mỗi miếng phải có độ đều, chắc chắn, vì vậy tôi luôn phải điều chỉnh lực ở tay khi nặn để chả giữ được hình dáng và dễ dàng nướng đều”.
Đứng bên cạnh vỉ nướng, tay cầm chiếc quạt, khéo léo đưa lên và xuống để than hồng cháy đều. Với mỗi lần quạt, anh Sang Jin Ham quan sát những miếng chả đang nướng, xoay vỉ để đảm bảo thịt chín đều và không bị cháy. Khi tiếng xèo xèo của thịt nướng vang lên và dần chuyển sang màu vàng ươm, anh nở một nụ cười hài lòng, cảm thấy tự hào với công sức đã bỏ ra.
“Nói thật, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc quạt than lại quan trọng đến thế. Nó giống như một nghệ thuật vậy, và tôi rất vui khi được học hỏi từ những điều đơn giản nhưng rất đỗi tinh tế này”, anh Sang Jin Ham nói thêm.
Đứng gần đó, ông Dixon Ma (50 tuổi, du khách đến từ Hồng Kông) đang chăm chú chiên những chiếc nem mà anh và gia đình đã tự tay gói. Đôi tay anh thoăn thoắt, cẩn thận lật giở từng chiếc nem, để chúng không bị cháy mà vẫn giữ được lớp vỏ giòn tan, vàng ruộm.
Ông Dixon Ma nhìn vào chiếc nem đang chiên, nét mặt phấn khích: “Hôm nay tôi đến trải nghiệm cùng vợ và con gái. Chúng tôi đã nghe và thưởng thức ẩm thực Việt Nam nhiều lần nhưng chưa bao giờ được tự tay chế biến. Nguyên liệu nấu ăn rất giống với đất nước tôi, nơi chúng tôi sống cũng có món chả giò nhưng cách chế biến hơi khác món nem rán Việt Nam một chút. Tôi nghĩ đây là một trải nghiệm tuyệt vời vì ngoài việc nấu ăn, chúng tôi còn hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.
Miếng nem đầu tiên được lấy ra khỏi chảo, ông Dixon Ma đặt nó lên đĩa và nói: “Khi chiên nem, tôi phải kiên nhẫn. Dầu nóng phải vừa đủ, không quá sôi để tránh làm vỏ nem cháy quá nhanh. Tôi rất háo hức để được thưởng thức món ăn do chính mình thực hiện này”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, chị Lan Hương (23 tuổi), làm việc ở vị trí người kể chuyện văn hóa tại một công ty phục vụ thiết kế các tuyến tour cho khách nước ngoài du lịch vào Việt Nam cho biết, các vị khách đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, nhiều nhất là từ các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Đầu tiên, mình sẽ hẹn khách hàng lên trên phố cổ để đón họ. Sau đó, các du khách sẽ trải nghiệm đi mua sắm nguyên liệu nấu ăn tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình) - một ngôi chợ địa phương mà nhiều người Việt Nam hay đi và thường mình sẽ dẫn khách đi vào buổi sáng để có thể mua thịt, rau tươi nhất làm nguyên liệu chế biến. Cuối cùng, mình sẽ hỗ trợ khách đi vào trong bếp và bắt đầu buổi học nấu ăn.
Có nhiều trường hợp khách có chế độ ăn đặc biệt, ví dụ như họ ăn chay, hoặc chỉ ăn hải sản, hoặc có những món khiến họ dị ứng… thì lúc đó, mình sẽ gợi ý một vài lựa chọn khác cho họ để họ làm quen với ẩm thực Việt Nam”, chị Hương chia sẻ về quy trình trải nghiệm tour ẩm thực thông thường của du khách.
Anh Trần Văn Quang - CEO một công ty phục vụ thiết kế các tuyến tour cho khách nước ngoài du lịch vào Việt Nam cho hay: “Hàng tháng, trung bình bên tôi phục vụ khoảng 2.000 khách và 100% khách hàng là người nước ngoài. Chúng tôi không chỉ dạy khách hàng công thức nấu các món ăn cổ truyền Việt Nam mà còn chia sẻ rất nhiều câu chuyện ý nghĩa xung quanh món ăn đó và lý do tại sao các món ăn được làm từ những nguyên liệu như vậy.
Hiện tại, bên tôi cũng có nhiều thực đơn để khách hàng có thể lựa chọn và mỗi thời điểm sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh nhất định trong thực đơn để đảm bảo làm sao các món ăn phù hợp theo từng mùa của Việt Nam. Đối với những người làm công việc kể chuyện văn hóa ở bên tôi, các bạn ấy cần phải có niềm đam mê về ẩm thực, có vốn tiếng Anh và sẽ được đào tạo các kỹ năng nấu nướng những món ăn cổ truyền Việt Nam để phục vụ công việc”.
Theo anh Trần Văn Quang, với những du khách muốn tham gia tour trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt Nam, được tự đi chợ và nấu món ăn thuần Việt theo hình thức lớp ghép, chi phí sẽ rơi vào khoảng gần 1,2 triệu đồng/người. Nếu họ mong muốn được tự thực hiện trong phạm vi riêng tư hơn thì tùy thuộc vào số lượng khách để chia bình quân chi phí theo đầu người.