Dân Việt

Kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển

Hoàng Hạnh 29/12/2024 14:46 GMT+7
Trước ngày diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, ông Huỳnh Quốc Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã có những đề xuất liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, Hợp tác xã.

Theo ông Huỳnh Quốc Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) phát triển nhanh, ổn định và bền vững như: chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách nguồn nhân lực, chính sách cơ giới hóa…

Tiếp cận có hiệu quả chính sách đất đai, nhất là tận dụng quỹ đất của địa phương để hỗ trợ các HTX, THT có đất làm trụ sở, làm cơ sở sơ chế, chế biến và đất để sản xuất kinh doanh.

Cần tạo sự đột phá về chính sách đất đai để hỗ trợ cho HTX. Việc cho mượn đất đai cần được ưu tiên theo thứ tự đất xây dựng trụ sở, đất xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; đất sản xuất. 

Song song đó là linh hoạt thực hiện các giải pháp khác như tận dụng trụ sở các đơn vị cũ, không sử dụng ưu tiên cho HTX mượn để xây dựng trụ sở kèm một số điều kiện cụ thể phù hợp kèm theo.

Kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các HTX, THT phát triển - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Hùng kiến nghị cần tạo sự đột phá về chính sách đất đai để hỗ trợ cho HTX. Việc cho mượn đất đai cần được ưu tiên theo thứ tự đất xây dựng trụ sở, đất xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên; đất sản xuất. Ảnh: An An

"Cần ban hành các văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý vững chắc, rõ ràng, dễ áp dụng để các HTX triển khai có hiệu quả dịch vụ cho vay nội bộ, nhằm giúp thành viên tháo gỡ khó khăn kịp thời mà khả năng thu hồi vốn nhanh", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ HTX phát triển kinh doanh dịch vụ đời sống và dịch vụ phi nông nghiệp như: cung cấp nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, cung cấp dịch vụ tín dụng, bảo hiểm, y tế, tổ chức các cửa hàng bán lẻ, cung cấp đồ gia dụng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng…, để thu hút thành viên và đảm bảo lợi ích thiết thực đúng bản chất HTX kiểu mới mà tỉnh Cà Mau đang triển khai.

Theo người đứng đầu Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030", Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Cà Mau đã thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của THT, HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các THT, HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia; nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT trong nông nghiệp của Hội Nông dân…

Trong đó, Hội Nông dân tỉnh Cà Mau tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức KTTT trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ bằng nhiều việc làm thiết thực.

Theo đó, Hội Nông dân các cấp tổ chức, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan đào tạo, bồi dưỡng, nhằm nâng cao năng lực và người lao động làm việc trong THT, HTX nông nghiệp kiến thức quản trị và sản xuất, kinh doanh của HTX; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trở thành giám đốc HTX nông nghiệp.

Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về chuyển đổi số đối với THT, HTX nông nghiệp. Hướng dẫn và hỗ trợ các HTX, THT do Hội Nông dân hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ về giống, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương; đăng ký xác lập quyền sở hữu, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường….