NSND Trà Giang (tên thật là Nguyễn Thị Trà Giang) sinh năm 1942 tại Quảng Ngãi, cha là NSƯT Nguyễn Văn Khánh (Khánh Cao), chồng là NSƯT - Giáo sư âm nhạc Bích Ngọc, con gái là nghệ sĩ dương cầm Bích Trà.
Là người ăn hình và có "đôi mắt biết nói", Trà Giang nhanh chóng lọt qua vòng thi tuyển sinh, trở thành một trong những diễn viên trong khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội).
Trong sự nghiệp hoạt động điện ảnh, NSND Trà Giang đã tham gia đóng 17 phim, trong đó có các vai diễn tiêu biểu như: Chị Kiên trong phim Một ngày đầu thu (đạo diễn Huy Vân), chị Tư Hậu trong Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam – 1963), (đạo diễn Hải Ninh - 1972), Mẹ Thu trong Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh – 1974), Nhân trong Ngày lễ thánh (đạo diễn Bạch Diệp)...
Năm 30 tuổi, nghệ sĩ Trà Giang tỏa sáng trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm với vai diễn chị Dịu, người phụ nữ kiên cường bên bờ sông Bến Hải. Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Hải Ninh từng cho biết, để đóng thành công phim này, diễn viên Trà Giang đã nhiều lần gặp người phụ nữ nguyên mẫu ở ngoài đời.
Bà đã 3 lần đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc tại: Liên hoan phim (LHP) Moskva (1973); LHP Việt Nam lần IV (1977); LHP Việt Nam lần thứ VIII (1988). Năm 1984, Trà Giang vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân (đợt I).
Ở tuổi ngoài 80, NSND Trà Giang hiện sống một mình tại TP.HCM sau khi chồng bà - NSƯT, GS âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc qua đời. Bà dành phần lớn thời gian cho niềm đam mê hội họa. Con gái duy nhất của bà - nghệ sĩ piano Bích Trà hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
NSND Thụy Vân sinh ngày 2/5/1940 tại xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) trong một gia đình trí thức có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Cha của NSND Thụy Vân là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Nguyễn Lương Ngọc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; chú ruột bà là GS. NSND Nguyễn Đình Quang - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và em trai bà là PGS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lương Tiểu Bạch – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Năm 1959, khi còn là nữ sinh trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), Thụy Vân đã làm đơn thi vào trường Điện ảnh Hà Nội - khoa đạo diễn. Tuy nhiên, NSND Thụy Vân bị từ chối với lý do nhà trường đưa ra là bà còn trẻ, không đủ kinh nghiệm sống để học ngành này. Sau đó, bà trúng tuyển vào lớp diễn viên Điện ảnh khóa 1 năm 1959.
Tốt nghiệp năm 1962, NSND Thụy Vân về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Bà nhận vai diễn đầu tiên trong bộ phim Làng nổi năm 1965 và một năm sau bà ghi dấu ấn trong sự nghiệp với vai nữ chính – chị Vân trong phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành. Bộ phim đã giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I vào năm 1970.
Sau thành công của Nổi gió, bà tiếp tục tham gia hàng loạt bộ phim như: Rừng xà nu, Hai người mẹ, Xa và gần, Làng nổi, Cơn lốc đen, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng tám, Những đứa con...
Ngoài đóng phim, bà còn làm đạo diễn và sáng tác thơ. Bộ phim Cơn lốc đen do bà đạo diễn từng giành giải đặc biệt trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988). Tập thơ Từng giọt ngọt đời do NSND Thuỵ Vân xuất bản cũng được bạn yêu thơ cả nước dành nhiều thiện cảm.
NSND Thụy Vân kín tiếng và ít chia sẻ về cuộc sống riêng. Vào năm 2023, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng, NSND Thuỵ Vân đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83. Gia đình tiết lộ bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.
Nghệ sĩ Nhân dân Tuệ Minh sinh năm 1938 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, bà về làm diễn viên của Đoàn văn công Trung ương trong vai trò diễn viên kịch, hát chèo và múa. Bên cạnh nhan sắc nổi trội, bà còn có giọng nói ngọt ngào, biểu cảm, trẻ trung, nên được Xưởng phim Việt Nam tuyển làm công việc lồng tiếng.
Cùng với NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Tuệ Minh thuộc lớp diễn viên điện ảnh khóa đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bà nổi tiếng một thời với những vai diễn như: Chị Thơm trong Một ngày đầu thu (đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh); chị Y trong Nguyễn Văn Trỗi (đạo diễn Bùi Đình Hạc); Hương trong Vợ chồng anh Lực (đạo diễn Trần Vũ); Thương trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh); chị bán gạo trong Em bé Hà Nội (đạo diễn Hải Ninh); Xơ Xuyên trong Ngày lễ thánh (đạo diễn Bạch Diệp)... NSND Tuệ Minh cũng được công chúng yêu mến trên sân khấu kịch với nhân vật Phượng trong vở Cách mạng của nhà văn Nguyễn Khải…
Nói về NSND Tuệ Minh, NSƯT Chiều Xuân từng chia sẻ, bà là người sắc sảo và quyết liệt với nghề: "Lúc nào cô cũng muốn thử sức với những vai diễn khác nhau. Cô cũng là người rất chú ý đến đài từ khi diễn xuất, đây là điều mọi lứa diễn viên phải học hỏi".
Năm 2015, NSND Tuệ Minh nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 78, sau nhiều lần Hãng phim truyện Việt Nam đề nghị Hội đồng cấp Bộ xét tặng danh hiệu cho bà.
Bên cạnh những dấu ấn trong sự nghiệp, NSND Tuệ Minh còn được nhiều người biết đến với tư cách là người vợ đảm của nhà văn Nguyễn Đình Thi (tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như bài thơ Đất nước, ca khúc Diệt phát xít, Người Hà Nội). Bà tới với ông sau khi trải qua những biến cố của cuộc hôn nhân đầu tiên, trong khi người vợ đầu của ông đã qua đời.
Ngày 24/2/2018, NSND Tuệ Minh qua đời đúng vào dịp sinh nhật tuổi 80 sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh tai biến.