Chắc hẳn nhiều người đã từng đọc qua tiểu thuyết Anh Hùng Xạ Điêu. Trong tác phẩm này, Quách Tĩnh là một hình tượng nhân vật chính diện, không chỉ vì lòng yêu nước thương dân mà còn bởi danh xưng đại hiệp được người đời ca tụng. Tuy nhiên, có một điều kỳ lạ mà không phải ai cũng nhận ra đã được trang tin Sohu tổng hợp lại thành bài viết. Đó là việc Giang Nam Thất Quái đã dạy dỗ Quách Tĩnh suốt 10 năm, nhưng anh ta lại không thể đánh bại nổi một hậu bối. Tuy nhiên, sau khi gặp Hồng Thất Công, Quách Tĩnh như được khai sáng, chỉ trong vòng một tháng đã trở thành cao thủ võ lâm, gần như không ai địch nổi. Vậy rốt cuộc là vì sao?
Quách Tĩnh và Dương Khang được xem là có duyên nợ từ kiếp trước, cha của họ vốn là bạn thân, và cả hai lại sinh cùng ngày cùng tháng. Tuy nhiên, do cha của họ cứu một tên giặc Kim có dã tâm nên cả hai đều bị hắn sát hại. Sau đó, Dương Khang trở thành tiểu vương gia của nước Kim, còn Quách Tĩnh thì sống cuộc đời nghèo khó nơi sa mạc. Thế nhưng, cuộc sống của cả hai đã thay đổi bởi một lời ước hẹn giữa Khâu Xứ Cơ và Giang Nam Thất Quái.
Năm xưa, họ đã ước định mỗi bên sẽ dạy dỗ một đứa trẻ, 18 năm sau sẽ so tài xem ai là đệ tử xuất sắc hơn. Quách Tĩnh theo Giang Nam Thất Quái cũng có chút thành tựu, có chút tiếng tăm trên thảo nguyên. Lúc này, Giang Nam Thất Quái bảo anh ta đi tìm Dương Khang để tỷ thí. Sau đó, anh ta cưỡi tuấn mã, mang theo bạc tiền bắt đầu cuộc hành trình xuống phía Nam. Vừa bước chân vào giang hồ, Quách Tĩnh chưa trải sự đời, vẫn còn một trái tim nhiệt huyết. Nhưng đáng tiếc, võ công của anh ta quá kém cỏi, đánh trận nào thua trận đó.
Mãi cho đến khi gặp Hồng Thất Công, học nghệ với ông trong một tháng, cuộc đời Quách Tĩnh mới bắt đầu bước sang trang mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao 10 năm rèn luyện với Giang Nam Thất Quái lại không bằng một tháng tu luyện cùng Hồng Thất Công?
Thực ra, khi Giang Nam Thất Quái tìm thấy Quách Tĩnh, họ không mấy hài lòng về cậu bé này. Họ cho rằng cậu ta tư chất tầm thường, không phải là một "hạt giống" tốt để luyện võ. Nếu họ có thể dạy dỗ theo năng lực của từng người, nhìn ra ưu điểm của Quách Tĩnh thì vẫn còn có thể cứu vãn được. Nhưng họ không những không tìm ra được bất kỳ điểm mạnh nào của Quách Tĩnh mà còn cho rằng cậu ta là một kẻ ngu si.
Hơn nữa, bản thân Giang Nam Thất Quái cũng chỉ là những kẻ giang hồ hạng hai, trình độ võ công không cao. Năng lực có hạn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến họ không thể dạy dỗ Quách Tĩnh nên người.
Trong mười năm học võ của Quách Tĩnh, họ không hề chuyên tâm dạy dỗ cậu ta. Ngược lại, hôm nay sư phụ này dạy một chút, ngày mai sư phụ khác dạy một chút, chưa bao giờ lập ra một kế hoạch đào tạo bài bản cho Quách Tĩnh. Vì vậy, họ chỉ nhồi nhét những gì mình biết vào đầu Quách Tĩnh, chứ không hề tận tâm giáo dục. Thêm vào đó, bản thân Quách Tĩnh không phải là kỳ tài võ học, một môn võ công cũng không luyện đến nơi đến chốn, huống chi là bảy môn. Chính vì vậy mà trên đường xuống phía Nam, anh ta mới liên tục gặp thất bại.
Hồng Thất Công tuy chỉ huấn luyện Quách Tĩnh trong một tháng, nhưng ông đã tìm hiểu kỹ lưỡng cách luyện công thường ngày của anh ta. Sau khi biết Quách Tĩnh thường ngày chỉ dựa vào sức mạnh để luyện tập, ông mới quyết định truyền thụ cho anh ta môn Hàng Long Thập Bát Chưởng. Môn võ công này không yêu cầu quá cao về tư chất của người học, mà sự kiên trì, cần cù của Quách Tĩnh lại chính là phẩm chất mà môn võ này cần.
Do đó, Quách Tĩnh càng phù hợp với loại võ công không quá tinh xảo, nhưng lại rất cần chú trọng rèn luyện nội lực. Cuối cùng, sau nhiều lần luyện tập, Quách Tĩnh cũng đã lĩnh hội được tinh túy của môn võ này, trở thành một cao thủ tuyệt thế.
Thực ra, trong tiểu thuyết, đoạn đối thoại giữa Quách Tĩnh và Mã Ngọc đạo trưởng đã từng đề cập đến vấn đề này. Quách Tĩnh cho rằng bản thân tư chất kém cỏi nên không thể lĩnh hội được võ công của các sư phụ. Nhưng Mã Ngọc đạo trưởng lại thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm trong cách dạy dỗ của Giang Nam Thất Quái, nói rõ những vấn đề tồn tại trong phương pháp giáo dục của họ.
Sau đó, Mã Ngọc đạo trưởng còn căn cứ vào tính cách và tư chất của anh ta mà truyền cho Quách Tĩnh một môn nội công có thể củng cố thêm trình độ võ công của anh ta. Bản thân Quách Tĩnh sau khi được Mã Ngọc chỉ điểm đã có những thành tựu nhất định về võ công, cộng thêm sự hỗ trợ của môn nội công này, khoảng hai năm sau, võ công của anh ta đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Như vậy, từ những nội dung trên, chúng ta có thể thấy rằng, Giang Nam Thất Quái tuy cũng biết chút võ công, nhưng họ lại không hiểu biết về nội công tâm pháp. Võ công của họ chú trọng vào kỹ xảo nhưng Quách Tĩnh lại phù hợp hơn với loại võ công trầm ổn và thực dụng. Vì vậy, trong suốt 10 năm được họ dạy dỗ, anh ta không học được gì nhiều. Nếu sau này Quách Tĩnh không gặp được Mã Ngọc và Hồng Thất Công, có lẽ cả đời này anh ta cũng không thể đạt được thành tựu gì trong võ học.
Tuy nhiên, nếu ban đầu không có sự dạy dỗ tận tình của Giang Nam Thất Quái, giúp Quách Tĩnh xây dựng nền tảng cơ bản, thì khi gặp Hồng Thất Công và Mã Ngọc, Quách Tĩnh cũng chưa chắc đã được hai người truyền thụ võ công, và có lẽ cũng không thể rèn luyện được khí chất đại hiệp của mình. Do đó, mặc dù Giang Nam Thất Quái không trực tiếp dạy dỗ Quách Tĩnh thành tài, nhưng công lao của họ là không thể phủ nhận. Sự thành công của Quách Tĩnh có mối quan hệ mật thiết với những người mà anh ta gặp trong đời.