Sáng nay 30/12, Uỷ ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và các chính sách an sinh xã hội, đời sống của người dân vùng DTTS&MN không ngừng được cải thiện.
Cụ thể, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh trật tự khu vực DTTS&MN được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS&MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm.
Đến nay, 98,4% xã vùng DTTS&MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân...
Đáng chú ý, nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (25/52 thuộc vùng DTTS&MN).
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công đến 31/11/2024 của Chương trình MTQG DTTS&MN đạt 9.807,019 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch. Đối với vốn sự nghiệp: đến hết tháng 10/2024 là 3.092,453 tỷ đồng (đạt 15,7% tổng dự toán thực hiện trong năm).
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, bám sát các chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, công tác dân tộc trên địa bàn nhận được sự phối hợp của các ban ngành, sự nỗ lực, cố gắng đoàn kết của các cơ quan được giao nhiệm vụ và nhân dân trên địa bàn nên tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Hoà Bình giảm 2,61%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,91%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tiêu giảm từ 4-4,5%).
Dự kiến năm nay Hoà Bình sẽ có 3 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn, nâng tổng số xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 lên 20/59 xã và 20/29 xã.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải một số tồn tại như kinh tế, xã hội vùng DTTS&MN còn chậm phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao so với các khu vực khác; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Một trong những nguyên nhân là do các địa phương còn cách hiểu khác nhau về triển khai một số chương trình; nguồn lực triển khai các chương trình, dự án còn khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương có 3 huyện miền núi, trong đó có 1 huyện thuộc huyện nghèo của Chính phủ, với 47.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Bana, H'rê. Tỉnh xác định đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN là chương trình trọng tâm của tỉnh nên đã phân bổ rất nhiều nguồn lực cho khu vực này, tạo ra bức tranh mới trong sự phát triển trong vùng DTTS.
"Nhiều thôn, xã thực sự thay da đổi thịt nhờ các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh. Ví dụ, về đầu tư hạ tầng, đến nay Bình Định đã đồng bộ nhựa hoá và kiên cố hoá từ xã tới thôn, thậm chí nhiều nơi tới tận ngõ, xóm. 100% trạm y tế, trường học đều được đầu tư kiên cố, không còn tình trạng lớp ghép, tạm bợ; 100% đồng bào được sử dụng nước sạch; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, có bác sĩ; các thiết chế văn hoá được phủ hầu hết các thôn" - ông Thanh thông tin.
Kinh nghiệm của Bình Định trong đầu tư công tác dân tộc ở vùng DTTS&MN, theo ông Thanh, đó chính là quan tâm tạo sinh kế, nhà ở cho đồng bào. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ xây nhà ở cho 568 hộ nghèo, 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; 5 khu quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung... Phê duyệt và triển khai 123 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 955 hộ...
Cùng với đó, tỉnh rà soát lại công tác giao đất giao rừng cho đồng bào. Với những diện tích không thuộc rừng phòng hộ, chúng tôi mạnh dạn giao cho đồng bào để bà con có thêm tư liệu sản xuất.
"Tại Bình Định, chúng tôi liên tục thực hiện đôn đốc việc giải ngân, phân bổ vốn đầu tư Trung ương và địa phương, lên kế hoạch chi tiết từng dự án và liên tục kiểm tra việc này nên kết quả giải ngân đến nay đã đạt 90% vốn đầu tư; vốn sự nghiệp khoảng 80%. Đặc biệt chưa phát hiện dấu hiệu tham ô, tham nhũng, làm trái quy định giải ngân vốn đầu tư quốc gia" - ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng chỉ ra, tốc độ giảm nghèo ở vùng DTTS&MN giảm nhanh, nhưng không bền vững. Do đó, ông Thanh đề xuất giai đoạn tới cần tập trung thực hiện chỉ tiêu phát triển bền vững, nâng bình quân thu nhập cho vùng DTTS phải ít nhất bằng một nửa vùng đồng bằng; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn.
"Theo tôi, cần rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương để tránh trùng lặp, dàn trải nguồn lực, thay vào đó chỉ cần 1 chương trình nhằm tập trung nguồn vốn đủ lớn cho giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, hình thành các liên kết chuỗi để thu mua sản phẩm, tạo việc làm cho đồng bào DTMN" - ông Thanh đề xuất.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo Quốc hội giao 3% thì khu vực này đã đạt 3,7%, đây là kết quả vô cùng đáng mừng. Khu vực DTTS&MN đã xuất hiện nhiều gương sáng, vượt khó làm giàu từ tiềm năng thế mạnh của địa phương và từ bản sắc văn hoá của dân tộc mình, với hơn 340 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi. Nếu như không có các chính sách chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, của các chương trình mục tiêu quốc gia, sự đồng lòng của các địa phương và bà con thì khó có thể có được kết quả như hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng, miền núi đang ngày càng trở nên hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, các mùa hoa, lễ hội, mô hình homestay được tổ chức hiệu quả, giúp tăng nguồn thu cho vùng DTTS&MN, đời sống của đồng bào được cải thiện. Ví dụ tại Bắc Kạn, mặc dù nguồn thu ngân sách hạn chế so với bình diện chung của cả nước, nhưng số dư tiền gửi tại các ngân hàng của người dân trên địa bàn là hàng chục nghìn tỷ đồng.
"Bên cạnh các thành tích đã đạt được, tôi rất hoan nghênh tinh thần tự phê bình và nhìn nhận khuyết điểm của Uỷ ban Dân tộc khi đã thẳng thắn nêu ra 7 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Chủ yếu là các đề án, nhiệm vụ; công tác tham mưu xây dựng đề án, chính sách theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm. Đề nghị các nhiệm vụ này phải xong trong Quý I/2025, Uỷ ban Dân tộc phải là "chủ công" trong công tác này" - Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhìn nhận: Chính sách rất nhiều nhưng không đi vào cuộc sống thì phải thấy đó là nhiệm vụ của chúng ta. Đó là do những điểm yếu như kinh nghiệm hạn chế, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; sự phối hợp của các bộ, ngành trong giải quyết các chính sách vùng DTTS&MN chưa "đều tay", chưa đặt đúng trọng tâm khu vực này vào sự quan tâm đầu tư của mình; giải ngân đầu tư công còn chậm nên các địa phương gặp khó khăn triển khai các dự án, chương trình.
Theo Phó Thủ tướng, 2025 là năm rất quan trọng, là năm cuối của nhiệm kỳ, chúng ta đang tập trung chuẩn bị đội hình, nhân lực, nguồn lực và định hướng cho nhiệm kì tới, là năm quan trọng tạo đà, tạo khí thế để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần xác định lại quyết tâm và nhiệm vụ chính trị trong công tác DTTS&MN.
"Nguồn lực đầu tư nhiều mà không giải ngân được đúng yêu cầu, không làm được gì ra tấm ra món là có lỗi với bà con. Công tác dân tộc có đặc thù riêng, rất khó khăn, rất cụ thể, do đó các đồng chí được giao nhiệm vụ làm công tác này cần thấu hiểu hơn. Không thấy được sự nghèo khó thiếu thốn của đồng bào là lỗi của chúng ta. Trình độ, kinh nghiệm và năng lực có thể được bồi dưỡng qua thời gian, nhưng sự tận tâm, tận tuỵ phải do mỗi người, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm hơn nữa" - Phó Thủ tướng Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban Dân tộc thời gian tới cần bám sát các chủ trương của Đảng, chương trình nghị quyết của Quốc hội, các chương trình MTQG, trong đó năm 2025 phải thực hiện xong chương trình nhà ở cho đồng bào; tổng kết giai đoạn 1 của chương trình MTQG, dứt khoát không còn nhiệm vụ nào còn nợ của giai đoạn 1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, làm sao để bà con không còn trông chờ vào "cần câu, con cá" mà phải khơi dậy được tinh thần tự lực, ham muốn thoát nghèo; khơi dậy sự nỗ lực của mỗi người dân, gia đình...