Ông Nguyễn Văn Khỏe (59 tuổi) sống ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) rất đam mê sáng chế khoa học. Nhiều lần đi công tác, ông Khỏe nhận thấy những xô, chậu chứa nước mưa là nơi lý tưởng để muỗi đẻ trứng. Từ đây lăng quăng lớn lên, phát triển thành muỗi và gây ra nhiều tác hại, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.
Năm 2018, ông Khỏe bắt tay vào nghiên cứu một thiết bị có thể giúp hạn chế muỗi sinh sản trong môi trường. Sau 6 năm nghiên cứu, ông tạo ra sản phẩm bẫy muỗi Mosla. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là không dùng hóa chất, không dùng năng lượng, mọi thứ đều đơn giản đến không ngờ.
Bẫy muỗi gồm một hộp nhựa hình trụ, chứa nước và một nắp đậy được thiết kế có nhiều vách ngăn theo kiểu “van một chiều”.
“Mình tạo ra môi trường nước cho muỗi đẻ trứng, muỗi mẹ mình sẽ không bắt, nhưng trứng của nó mình giữ lại. Sau đó, trứng nở thành lăng quăng và đến khi thành muỗi thì không thoát ra được”, ông Khỏe nói về nguyên lý của bẫy.
Ông Khỏe ví sản phẩm của mình giống như một chiếc lờ thả cá. Muỗi mẹ dễ dàng đi vào đẻ trứng và có thể thoát ra, nhưng con của nó chắc chắn bị giữ lại trong bẫy.
Về nguyên lý, sản phẩm của ông Khỏe rất đơn giản. Tuy nhiên để có sản phẩm như ngày hôm nay, ông phải trải hàng trăm lần thay đổi thiết kế, làm khuôn, đúc sản phẩm mẫu và thử nghiệm đánh giá hiệu quả.
Cấu tạo bẫy muỗi do ông Khỏe nghiên cứu. Ảnh: Quang Sung
“Mỗi lần thay đổi thiết kế, in xong phải đem đi thử nghiệm. Mình phải đợi muỗi vào đẻ trứng theo dõi mất cả hàng tháng, như vậy một năm chỉ thử nghiệm được vài lần. Nếu thay đổi thiết kế, lại tiếp tục đợi. Rất khó khăn để tìm đơn vị làm khuôn, gia công sản phẩm”, nhà sáng chế chỉ học hết lớp 8 này cho biết.
Đến nay, sản phẩm bẫy muỗi của ông Khỏe đã dần đạt yêu cầu. Ông cũng tìm được đơn vị gia công ưng ý, có thêm đơn vị phối hợp nên sản phẩm của ông Khỏe ngày càng hoàn thiện.
Ông Khỏe thử thí nghiệm đặt 10 bẫy muỗi tại một xưởng rộng 1.000m2 ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Sau thời gian, ông thấy lượng muỗi giảm đáng kể và các bẫy muỗi cũng thu được rất nhiều lăng quăng.
“Nếu trước kia ở xưởng này lượng muỗi là 10 thì nay chỉ còn 1, giảm lên đến 90%”, ông Khỏe nói.
Sau hơn 6 năm nghiên cứu, ông Khỏe đã chi khoảng 500 triệu đồng để có sản phẩm bẫy muỗi như hiện tại. Sáng kiến của ông đạt giải ba Cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo" tỉnh Đồng Nai năm 2024. Ông còn nhận được bằng độc quyền sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ sau hơn 5 năm chờ đợi.
“Tôi thấy dịch sốt xuất huyết hoành hành rất nguy hiểm, muỗi là một trong những nguyên nhân lớn. Nếu mình dùng chất hóa học hoặc vợt muỗi thì chỉ giết được con muỗi mẹ, nhiều khi nó đã đẻ trứng ở đâu đấy. Trứng nở thành lăng quăng, rồi thành muỗi, cứ vòng tuần hoàn như vậy thì muỗi vẫn sinh sôi”, ông Khỏe phân tích.
Tính đến tháng 4/2024, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 1,6 lần, trong đó có 1 trường hợp tử vong (giảm 5 ca so với cùng kỳ).
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Ngược lại, sản phẩm của ông Khỏe ngăn chặn muỗi từ lúc “còn trong trứng nước”. Hơn nữa, nếu dùng tinh dầu xua muỗi, nhang muỗi… con muỗi không ở nơi này, sẽ bay đi nơi khác vẫn tiếp tục gây hại.
“Mình để bẫy muỗi trong nhà mình, dù nhà mình không có muỗi nhưng nhà hàng xóm có muỗi thì nó sẽ qua mình và nó đẻ trứng. Từ đó mình ngăn chặn được muỗi sinh sôi, cứ dần dần như vậy thì lượng muỗi sẽ giảm dần”, ông Khỏe lấy ví dụ.
Sản phẩm bẫy muỗi này, theo ông Khỏe chỉ cần cho nước vào và treo ở nơi muỗi nhiều. Nước sử dụng tốt nhất là nước mưa, nếu không thì sử dụng nước máy bình thường. Sau thời gian nếu thấy cạn nước thì châm thêm, còn lại không phải theo dõi gì.
Hiện sản phẩm đang được ông Khỏe cải tiến, hoàn thiện hơn trước khi bán ra thị trường vào năm sau. Cách đây 5 năm, khi nghiên cứu ông nghĩ phải bán ra thị trường với giá 400 đến 500 nghìn đồng/sản phẩm. Tuy nhiên ông đã cố gắng điều chỉnh thiết kế, tối ưu chi phí, do đó bản thương mại sẽ có giá bán dưới 100 nghìn đồng/sản phẩm.
“Kinh doanh tất nhiên phải có lợi nhuận, nhưng sản phẩm này tôi không đặt lợi nhuận lên đầu. Mục tiêu hàng đầu của sản phẩm này là không còn sốt xuất huyết trong cộng đồng”, nhà sáng chế nông dân khẳng định.
Với những sáng chế thiết thực, ít ai biết rằng ông Khỏe chỉ mới học hết lớp 8. Ông cũng chưa học qua trường, lớp chuyên sâu nào về kỹ thuật, những sáng chế của ông phần lớn xuất phát từ vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Theo ông, việc học qua trường lớp sẽ giúp mình nhanh chóng có kiến thức, bắt tay vào làm được. Tuy nhiên nhược điểm là dễ bị rập khuôn, khó thoát ra để đạt được sự sáng tạo. Mặc dù để có được sự sáng tạo, ông Khỏe “phải trả giá vì làm sai rất nhiều lần”.
“Không có gì là cao siêu, hãy giải quyết vấn đề một cách đơn giản, đừng đóng khung, hãy suy nghĩ vượt ra khỏi cái hộp. Quá rập khuôn thì sẽ không sáng tạo được”, nhà sáng chế U60 nói.
Bẫy muỗi không phải là sáng chế đầu tiên của ông Khỏe. Năm 2018, ông Khỏe xuất hiện chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 - Thương vụ bạc tỷ với mong muốn kêu gọi 1 triệu USD cho 25% cổ phần Công ty Nhiệt Mặt Trời. Đây là mô hình sử dụng nguyên lý sấy khô từ năng lượng ánh sáng tự nhiên, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.
Liên tiếp bị các "cá mập" từ chối, duy chỉ có nhà đầu tư khách mời Nguyễn Thanh Việt ấn tượng với người đàn ông khởi nghiệp ở tuổi ngoài 50. Sau thương lượng, Shark Việt đã quyết định đầu tư 1 triệu USD chia theo giai đoạn cho công ty của ông Khỏe.