Những quan điểm trước đây cho rằng, Tần triều ngắn ngủi là do chính quyền tàn bạo, không chỉ nam chinh Bách Việt, bắc phạt Hung Nô, lại còn tu sửa Trường Thành, dựng cung A Phòng, xây lăng Tần Thủy Hoàng, trong khoảng mười mấy năm tiêu phí lượng lớn nhân lực vật lực, bách tính chịu khổ vì lao dịch, binh dịch quá nặng nề.
Tương truyền rằng Tần Thủy Hoàng dùng pháp luật hà khắc, người bị lao dịch không đến đúng hẹn sẽ bị chém đầu, Trần Thắng, Ngô Quảng tạo phản khởi nghĩa là vì lý do này. Nhưng hiện nay, có nhiều quan điểm nhận định, cách nói trên không phải là nguyên nhân chính dẫn đến Tần triều đoản mệnh.
Quan điểm mới cho rằng, ban đầu khi kiến lập vương triều, thì có nhiều vương triều cũng chiến tranh với bên ngoài, rồi xây dựng những công trình lớn, ví dụ đầu nhà Minh, Minh Thái Tổ bảy lần xuất chinh thảo phạt Mông Cổ, lại trưng dụng dân chúng xây dựng trường thành Nam Kinh, Hoàng cung, đô Phụng Dương, cho đến tu bổ Trường Thành, mà Trường Thành nhà Minh còn lớn gấp mấy chục lần Trường Thành nhà Tần, nhân lực tiêu tốn tuyệt nhiên không thể thua kém nhà Tần. Vậy tại sao triều Minh lại an nhiên kéo dài đến hơn 200 năm, còn triều Tần chỉ vỏn vẹn 15 năm ngắn ngủi?
Nhưng chế độ chính trị thống nhất thiên hạ mà Tần Thủy Hoàng sáng lập lại được hậu thế kế thừa; vô luận các vương triều thay đổi ra sao, thì hạch tâm vẫn trước sau như một, trải qua hơn hai ngàn năm, một mạch kéo dài đến nay, có thể nói nó đã phù hợp với dòng chảy của lịch sử. Vậy có thể thấy, nguyên nhân chân chính sự diệt vong của nhà Tần, không phải do bạo chính, mà do nguyên nhân khác.
Trần Thắng, Ngô Quảng sau tạo phản không lâu cả hai đều bị giết, nhưng người đã thổi bùng ngọn lửa nhỏ đó lên thành đám cháy ngút trời mà cuối cùng đã diệt vong nhà Tần, chính là Hạng Vũ – một quý tộc cũ của lục quốc, tất nhiên còn có Lưu Bang – một quan nhỏ của triều Tần, tạo phản từ một vùng đất của lục quốc.
Có thể thấy, những sự kiện mà Tần Thủy Hoàng tạo ra, đã dẫn đến những ẩn họa lớn cho nhà Tần, đó là độc hưởng thành quả chiến tranh mà không phân chia lợi ích hợp lý, chưa xử lý tốt quan hệ với các quý tộc của lục quốc.
Theo "Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ" ghi chép, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất toàn quốc, giết hào kiệt, thu binh khí trong thiên hạ để đúc nhạc cụ hình chuông, cho đúc 12 kim nhân (người vàng), di dời 12 vạn hộ giàu có đến cư trú ở Hàm Dương. Mục đích là đặt giới quý tộc dưới sự giám sát, quản chế, ngăn chặn tạo phản.
Có thể thấy, Tần Thủy Hoàng diệt lục quốc, chỉ có bách tính và quý tộc nước Tần cũ là được hưởng lợi, các quý tộc lục quốc bị tổn thất rất lớn, họ bị mất đi quyền lực, ruộng đất, tài phú, từ quý tộc biến thành kẻ bị bỏ rơi, tất nhiên vô cùng bất mãn với đại Tần, chỉ rình cơ hội hành động.
So với Tần Thủy Hoàng thì Lưu Bang tài đức kém xa, nhưng ông không quản chế tất cả quý tộc lục quốc và thế lực còn lại của Hạng Vũ, mà cùng họ phân chia lợi tức của Hán triều, phong tước vị cho rất nhiều vương hầu ở dòng tộc khác. Cho nên, sau khi kiến lập nhà Hán, Lưu Bang "Hán thừa Tần chế" (nhà Hán kế thừa chế độ chính sách của nhà Tần), đã kế thừa toàn bộ chính sách củng cố quyền lực trung ương của Tần Thủy Hoàng, nhưng không bị các thế lực quý tộc cũ phản đối, do đó đã giữ vững ngai vàng.
Không phải Lưu Bang không sợ các thế lực quý tộc uy hiếp chế độ chính trị. Thời Tây Hán, việc thanh trừ đàn áp đối với dòng dõi quý tộc, trải qua thời Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế cho đến tận thời Hán Vũ Đế mới hoàn thành việc tập trung quyền lực vào tay nhà Hán.
Cho nên có thể nói, sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng nhân từ nên đã không tiệt trừ tận gốc các quý tộc cũ, nhưng chưa phân bổ hợp lý lợi ích để quy thuận nhân tâm, lại còn để lại cho họ cơ hội hồi sinh từ đống tro tàn.
Ngoài ra, Tần Thủy Hoàng chết quá sớm. Ông mắc bạo bệnh mất trên đường tuần du ở tuổi 49, trước đó vẫn chưa định rõ người kế thừa vương vị. Đây cũng là một nguyên do chính, khiến cho Triệu Cao và Lý Tư có cơ hội sửa chiếu thư, bức tử công tử Phù Tô, là người hiền năng được Tần Thủy Hoàng chủ định là người thừa kế, để Hồ Hợi soán vị thành công.
Phù Tô tôn trọng Nho học, có tầm nhìn xa trong việc trị quốc an dân, đãi nhân thành tín, nếu công tử Phù Tô lên ngôi thì sự việc đã không diễn ra như thế.
Lúc Tần Thủy Hoàng còn sống, quý tộc lục quốc chỉ dám diễn vài trò ám sát nhỏ nhoi. Nhưng Triệu Cao, Hồ Hợi giết hết tướng tài như Mông Điềm, Mông Nghị, Lý Tư v.v. Hồ Hợi cũng giết sạch anh chị em trong nhà, nên khi chiến loạn thì triều Tần còn trông cậy vào ai, đành ngồi chờ chết mà thôi.
Quay lại câu chuyện Trần Thắng, Ngô Quảng bị bức bách mà tạo phản.
Tháng 12 năm 1975, tại ngôi mộ số 11 Quan Thùy Hổ Địa, huyện thành Vân Mộng, tỉnh Hồ Bắc, khai quật lộ ra 1155 thẻ tre thời nhà Tần, nội dung bao gồm chế độ pháp luật, quy định hành chính v.v.
Về lao dịch, ghi rõ: Nếu không đến đúng hẹn để phục vụ lao dịch, thì bị xử phạt như sau: Đến chậm ba cho đến năm ngày, thì bị trách mắng, quá sáu đến mười ngày, thì phạt tiền tương đương giá trị của một cái khiên; chậm quá mười ngày, phạt tiền giá trị ngang với một bộ mũ giáp; nếu có mưa lớn không thể làm việc, thì việc lao dịch có thể miễn.
Khi Trần Thắng, Ngô Quảng đi lao dịch biên giới, có thể đã chậm trễ quá lâu, tới mức độ vi phạm pháp lệnh tới mức bị chém đầu. Từ đó suy ra: Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Cao một tay che Trời, nhân tâm bất phục, thiên hạ đại loạn, Triệu Cao cải loạn pháp lệnh, thi hành bạo chính hà khắc khốc hình.
Nhưng các chính sách có lợi cho việc thống nhất giang sơn của Tần Thủy Hoàng đều được hậu thế kế thừa. Cho nên, nguyên nhân diệt vong của nhà Tần không phải do cái gọi là bạo chính và nông dân tạo phản, Tần Thủy Hoàng thực sự không hổ với danh xưng: Thiên Cổ Nhất Đế (Vị Hoàng đế đệ nhất của lịch sử ngàn năm).
Tất nhiên, những điều nói trên chỉ là thứ mà người trần mắt thịt đứng trên tầng diện nông cạn mà phân tích. Chúng ta hãy cùng xem lại những điều ghi trong sử thư nhưng do hữu ý hoặc vô ý bỏ qua xem nhẹ.
Theo "Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ" có ghi, "Năm 36 (211 TCN), Huỳnh hoặc thủ Tâm (tức sao Hỏa đi đến vị trí chòm sao Tâm Túc). Có sao rơi ở Đông quận, tới mặt đất thì thành đá".
Giải thích theo "Ất tị chiêm" rằng: "Nơi nào sao Hỏa đến, đều là đại họa, vua chết nước mất"; "Sao Hỏa đến chòm sao Tâm Túc, đại nhân thay đổi chính sự, quân chủ đi khỏi cung". Thiên tượng đã hiển lộ dự báo: Tần Thủy Hoàng băng hà.
Mùa thu năm ấy, có sứ giả đang đêm đi từ cửa Quan Đông qua đường Bình Thư Hoa Âm, gặp một người tay cầm ngọc bích chặn lại nói: "Mang hộ tôi giao cho Hao Trì Quân (là Thần nước, chỉ Tần Thủy Hoàng, Tần thuộc thủy đức)", lại còn nói: "Năm nay Tổ Long chết".
Sứ giả hỏi nguyên do, thì bỗng nhiên không thấy người đâu, chỉ còn lại miếng ngọc. Sứ giả mang ngọc về bẩm báo Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng trầm mặc hồi lâu, rồi nói: "Quỷ núi thì chỉ biết được việc của một năm thôi.". Khi sứ giả đi rồi, Tần Thủy Hoàng lại bảo: "Tổ Long là tổ tiên loài người."
Tần Thủy Hoàng cho ngự phủ đến xem ngọc bích, thì ra đó là miếng ngọc bị đánh rơi khi qua sông tám năm về trước. Không kể người đó là ai, là quỷ núi cũng được, đã đưa dự ngôn về cái chết của Tần Thủy Hoàng. Thực tế là năm sau, năm 210 TCN Tần Thủy Hoàng băng hà.
Trở lại 32 năm về trước (năm 215 TCN), Lư Sinh người nước Yên đi sứ nước ngoài trở về, biết một số việc quỷ thần, cho nên dâng tấu cuốn Sấm Truyền, trong đó viết "Vong Tần giả Hồ dã" (Kẻ làm Tần diệt vong chính là Hồ).
Khi ấy Tần Thủy Hoàng cho rằng "Hồ" là người Hồ (người Hung Nô), do đó lệnh tướng quân Mông Điềm dẫn 30 vạn quân lên phía bắc đánh Hung Nô, chiếm đất Hà Nam.
Chứ đâu biết rằng sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, kẻ giữ ấn tín là Trung xa phủ lệnh Triệu Cao, lấy bức thư mà Tần Thủy Hoàng viết gửi công tử Phù Tô, cùng thừa tướng Lý Tư và công tử Hồ Hợi sửa chiếu thư để Hồ Hợi lên ngôi Hoàng Đế, chưa đầy 3 năm dưới sự thống trị của Hồ Hợi, triều Tần đã diệt vong. Ứng nghiệm với câu sấm truyền dự ngôn "Vong tần giả Hồ dã".