Sáng 31/12, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị công bố và triển khai quyết định của Bộ Chính trị khóa XIII về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo quyết định của Bộ Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sau khi sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ các Hội đồng Lý luận, khoa học của Trung ương (Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương); sáp nhập Học viện Hành chính Quốc gia; giảm 23 đầu mối cấp vụ (từ 54 đầu mối trước khi sáp nhập xuống còn 31 đầu mối cấp vụ sau sáp nhập).
Về tổ chức bộ máy, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh gồm: Ban lãnh đạo Học viện với Giám đốc và không quá 5 Phó Giám đốc; Giám đốc Học viện do Bộ Chính trị phân công; các Phó Giám đốc do Ban Bí thư xem xét, quyết định. Ban lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương có Chủ tịch là Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hoặc đồng chí phụ trách công tác lý luận của Đảng do Bộ Chính trị phân công và có không quá 5 Phó Chủ tịch do Ban Bí thư xem xét, quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng; cơ quan Hội đồng đặt tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh gồm 9 đơn vị chức năng, 16 viện nghiên cứu, giảng dạy và thông tin, xuất bản; 6 học viện trực thuộc, trong đó Học viện Hành chính Quốc gia sau khi sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trở thành Học viện Hành chính và Quản trị công (trụ sở chính đặt tại Hà Nội, 1 phân hiệu đặt tại TP.HCM và 1 phân hiệu đặt tại tỉnh Quảng Nam).
Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do Giám đốc Học viện quyết định. Tổng số lượng cấp phó của các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh không quá 90 người.
Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, trong thời gian ngắn là tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ các Hội đồng Lý luận, khoa học của Trung ương; sáp nhập Học viện Hành chính Quốc gia; rà soát, tinh gọn bộ máy bên trong, Học viện là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành đề án, tờ trình và đặc biệt là dự thảo về quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Học viện theo hướng tinh gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả nhưng không được bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, với tinh thần: tinh gọn trong từng tổ chức, cơ quan, thậm chí điều chuyển nhiệm vụ giữa các cơ quan. Trong quá trình quán triệt, triển khai, xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương, bên trong Học viện và giữa Học viện với các cơ quan liên quan có sự thống nhất cao.
Theo ông Thắng, sau khi tổ chức bộ máy mới, học viện sẽ nâng tầm vị thế, quy mô, mang tới niềm vinh dự, tự hào cũng như đặt ra những thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên, nhà khoa học và người lao động của học viện trách nhiệm cao hơn, có cách làm tốt hơn, hiệu quả công việc tốt hơn trước.