Trong ngày đầu tiên của năm mới 2025, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã cùng Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt nhìn nhận lại bức tranh tổng thể của văn hóa - nghệ thuật trong năm 2024 để hình dung rõ hơn bước chuyển mình mạnh mẽ của lĩnh vực này trong năm qua.
- Tôi cho rằng, bức tranh văn hóa – nghệ thuật năm 2024 có nhiều gam màu tươi sáng, đánh dấu một năm đầy ý nghĩa cho sự phát triển văn hóa Việt Nam.
Trước hết, khuôn khổ pháp lý về văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai các chính sách dài hạn. Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được thông qua, được kỳ vọng sẽ kịp thời khơi thông, giải quyết những điểm nghẽn cố hữu, đặc biệt là về nguồn lực, giúp văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới.
Trong năm nay, hàng loạt sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức tại khắp các tỉnh thành, không chỉ làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân mà còn lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới.
Ở Hà Nội, Tuần lễ thiết kế sáng tạo đã huy động được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, văn nghệ sĩ để tái hiện một cách sống động những giá trị văn hóa truyền thống hòa quyện với sự hiện đại của một thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ở TP.HCM lại sôi động với các Lễ hội âm nhạc quốc tế, nơi các nghệ sĩ trong và ngoài nước hòa mình để tôn vinh sự đa dạng của âm nhạc toàn cầu.
Đà Nẵng, với lễ hội pháo hoa quốc tế, đã trở thành tâm điểm thu hút du khách khắp nơi; trong khi Nha Trang ghi dấu ấn với Festival biển đầy sức sống; còn Đà Lạt đưa nghệ thuật đương đại lên một tầm cao mới qua Festival hoa và rất nhiều sự kiện hấp dẫn khác ở thành phố sáng tạo về âm nhạc này.... Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là các hoạt động giải trí mà còn là dịp để tôn vinh bản sắc văn hóa, kết nối cộng đồng và quảng bá di sản đất nước.
Tôi nhận thấy, song hành cùng sự sôi động của các sự kiện, các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, xuất bản cũng có bước phát triển vượt bậc.
Nhiều bộ phim Việt Nam ra mắt trong năm nay đã không chỉ thành công trong nước mà còn vươn tầm quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của nền điện ảnh nước nhà.
Các sản phẩm âm nhạc và nghệ thuật số, nhờ tận dụng công nghệ hiện đại đã tiếp cận được khán giả đại chúng trong và ngoài nước, mở ra một thị trường văn hóa đầy tiềm năng.
Chính sự phát triển này đang từng bước giúp văn hóa trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, tạo động lực để đầu tư và sáng tạo ngày càng được chú trọng.
Đặc biệt, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi trong nhận thức của xã hội về văn hóa. Thế hệ trẻ, với nguồn năng lượng sáng tạo và niềm đam mê không giới hạn, đang góp phần thổi bùng lên sức sống mới cho văn hóa dân tộc. Họ không ngần ngại thử nghiệm, tái hiện và thậm chí tái sáng tạo để văn hóa truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển trong bối cảnh hiện đại.
Tôi tin rằng, với nền tảng đã được xây dựng vững chắc trong năm 2024, văn hóa Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai; là nhịp cầu đưa đất nước tiến xa trên hành trình hội nhập và phát triển bền vững. Văn hóa không chỉ là hồn cốt dân tộc mà còn là động lực không thể thay thế cho sự thịnh vượng và trường tồn của đất nước.
Những thành tựu của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật biểu diễn năm 2024 nói lên điều gì về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam mà bấy lâu chúng ta chưa tận dụng, chưa khai phá hết, thưa ông?
- Những thành tựu của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật biểu diễn năm 2024 đã nói lên rất nhiều điều về tiềm năng và lợi thế to lớn của Việt Nam mà trong một thời gian dài chúng ta chưa khai phá hoặc chưa tận dụng hết. Đây là năm mà nghệ thuật biểu diễn không chỉ khẳng định vai trò là một phần của đời sống tinh thần, mà còn vươn mình trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo, kết nối và hội nhập quốc tế.
Đầu tiên, sự thành công của các chương trình nghệ thuật lớn như các concert âm nhạc Anh trai say hi, hay Anh trai vượt ngàn chông gai, các Liên hoan âm nhạc quốc tế, Liên hoan phim quốc tế hay các Festival du lịch văn hóa... cho thấy chúng ta hoàn toàn có khả năng kết hợp tinh hoa truyền thống với công nghệ mới. Những tác phẩm này không chỉ gây ấn tượng về mặt thị giác mà còn mang đến trải nghiệm cảm xúc sâu sắc, chứng minh văn hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh và tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.
Đặc biệt, năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của các nghệ sĩ trẻ, không chỉ trên sân khấu trong nước mà còn tại các Liên hoan nghệ thuật quốc tế. Những giải thưởng và sự công nhận mà họ mang về cho Việt Nam chính là minh chứng sống động cho tiềm năng sáng tạo của thế hệ mới. Họ đã chứng minh rằng, với sự hỗ trợ đúng đắn, tài năng Việt Nam có thể chạm đến đỉnh cao của nghệ thuật, vượt qua mọi giới hạn.
Tôi nhận thấy, những thành tựu này còn cho thấy một điều quan trọng khác: chúng ta chưa thực sự khai thác hết chiều sâu văn hóa truyền thống và sự sáng tạo đương đại.
Việt Nam có kho tàng di sản vô cùng phong phú, từ âm nhạc dân gian, múa rối nước, đến các làn điệu chèo, cải lương, và tuồng. Khi những giá trị này được kết hợp với góc nhìn mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo hiện đại, chúng sẽ không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn Việt Nam.
Những gì chúng ta đạt được trong năm 2024 cho thấy tiềm năng lớn lao của nghệ thuật biểu diễn không chỉ dừng lại ở việc phản ánh đời sống văn hóa mà còn trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo, đóng góp vào kinh tế quốc gia. Đây chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, khi chúng ta đầu tư đúng mức và có chiến lược rõ ràng, những gì tưởng như bị lãng quên hoặc chưa chạm tới sẽ trở thành những giá trị to lớn, làm rạng danh văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tôi tin rằng, đây mới chỉ là khởi đầu cho một hành trình đầy triển vọng phía trước.
Theo ông, điểm ấn tượng nhất trong chuỗi ấn tượng mà lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật biểu diễn đã tạo ra trong năm 2024 là gì?
- Đó chính là sự bùng nổ mạnh mẽ của các hiện tượng nghệ thuật đại chúng, đặc biệt là các concert âm nhạc và những bộ phim điện ảnh đạt doanh thu kỷ lục. Những sự kiện này không chỉ cho thấy sức hút của văn hóa nghệ thuật Việt Nam mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa trong nước.
Điều đáng chú ý đầu tiên là thành công của các concert âm nhạc như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai. Đây không chỉ đơn thuần là các sự kiện âm nhạc mà đã trở thành biểu tượng của sự kết nối và cộng hưởng cảm xúc giữa nghệ sĩ và khán giả.
Những chương trình này, với sự đầu tư công phu từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến cách kể chuyện, đã phá vỡ mọi giới hạn về quy mô và chất lượng. Chúng không chỉ thu hút hàng chục nghìn khán giả đến trực tiếp tham dự mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, góp phần đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với thị trường quốc tế.
Song song đó, điện ảnh Việt Nam cũng có một năm đầy dấu ấn với sự thành công vang dội của các bộ phim của Trấn Thành và Lý Hải. Những tác phẩm này không chỉ đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mà còn gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng những câu chuyện chân thực, xúc động và mang đậm bản sắc Việt Nam.
Trấn Thành tiếp tục khẳng định mình là một người kể chuyện tài năng với những bộ phim chạm đến trái tim của nhiều thế hệ; trong khi Lý Hải đưa khán giả vào hành trình phiêu lưu đầy cảm xúc, nâng tầm điện ảnh Việt Nam lên một đẳng cấp mới.
Điều khiến những hiện tượng này trở nên đặc biệt ấn tượng là chúng đã phá vỡ định kiến rằng văn hóa đại chúng chỉ mang tính giải trí đơn thuần. Thực tế, chúng đã chứng minh, khi được đầu tư đúng mức và thực hiện với sự sáng tạo nghiêm túc, nghệ thuật đại chúng có thể trở thành một phần quan trọng trong việc định hình giá trị văn hóa, đồng thời thúc đẩy kinh tế thông qua công nghiệp văn hóa.
Những hiện tượng này còn cho thấy sự thay đổi đáng mừng trong cách khán giả đón nhận văn hóa - nghệ thuật biểu diễn. Người Việt ngày càng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm văn hóa chất lượng, đồng thời thể hiện sự tự hào và ủng hộ đối với các tài năng trong nước. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định thị trường văn hóa Việt Nam không chỉ đang phát triển mà còn dần tạo dựng được bản sắc và chỗ đứng vững chắc, sẵn sàng vươn ra khu vực và thế giới.
Bên cạnh những điều tích cực thì vẫn còn nhiều ồn ào, scandal tai tiếng của một số người nổi tiếng. Ông nhìn nhận như thế nào về sự việc này?
- Những ồn ào và scandal tai tiếng của một số người nổi tiếng là một thực tế đáng lo ngại. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của từng cá nhân mà còn tác động tiêu cực đến bộ mặt chung của ngành văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt trong bối cảnh ngành này đang nỗ lực xây dựng một diện mạo chuyên nghiệp.
Những scandal tai tiếng như lùm xùm đời tư, hành vi thiếu chuẩn mực, hay những phát ngôn gây tranh cãi không chỉ làm xói mòn niềm tin của công chúng mà còn tạo ra một làn sóng phản ứng tiêu cực đối với ngành nghệ thuật biểu diễn.
Khi những người nổi tiếng – vốn được xem là biểu tượng và đại diện cho hình ảnh nghệ thuật vướng vào những sự việc này, khán giả không chỉ thất vọng mà còn có xu hướng đánh đồng những sai lầm cá nhân với toàn bộ ngành. Điều này vô tình làm lu mờ những nỗ lực và thành quả mà bao nghệ sĩ chân chính đã cống hiến không mệt mỏi.
Những vụ việc như vậy cũng làm xói mòn giá trị cốt lõi của nghệ thuật biểu diễn, khi sự chú ý của công chúng không còn tập trung vào giá trị nghệ thuật hay thông điệp mà các tác phẩm mang lại, mà thay vào đó lại hướng đến những thông tin giật gân, tiêu cực.
Không ít người trẻ, khi nhìn vào những "tai tiếng - nổi tiếng" có thể bị hiểu lầm rằng thành công trong ngành này không dựa trên tài năng hay đạo đức nghề nghiệp mà chủ yếu nhờ vào sự gây chú ý bằng mọi giá. Đây là một tín hiệu nguy hiểm, không chỉ cho sự phát triển bền vững của ngành mà còn cho sự hình thành nhân cách và định hướng của thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, tôi cũng cho đây là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại vai trò của các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp và chính các nghệ sĩ trong việc xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh và văn minh.
Điều này đòi hỏi không chỉ sự tăng cường quản lý, giám sát mà còn cần sự tự giác, ý thức trách nhiệm cao hơn từ phía những người làm nghề. Nghệ sĩ không chỉ là người sáng tạo nghệ thuật mà còn là người định hình giá trị, lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng. Do đó, họ cần ý thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn hình ảnh và giá trị của nghệ thuật.
Tôi tin rằng, những scandal, ồn ào không phải là bản chất của ngành nghệ thuật biểu diễn, mà chỉ là những "vết gợn" trong một bức tranh lớn hơn đầy màu sắc và ý nghĩa. Nếu chúng ta có cách tiếp cận đúng đắn – từ việc quản lý, giáo dục đến việc nâng cao nhận thức của công chúng – thì những vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết, để nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiếp tục khẳng định giá trị của mình trong lòng khán giả và trên trường quốc tế.
Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!