Dân Việt

"Tứ đại mỹ nhân họa quốc" trong lịch sử Trung Quốc gồm những ai?

T.H 03/01/2025 08:30 GMT+7
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, một số mỹ nhân sở hữu nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành" nhưng khiến hoàng đế mất ngai vàng, vương triều sụp đổ. Những mỹ nhân này bị người đời gắn với biệt danh "hồng nhan họa quốc".

1. Muội Hỷ

Một trong những "hồng nhan họa quốc" nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Quốc là Muội Hỷ. Muội Hỷ là mỹ nữ nước Hữu Thi – nước chư hầu của nhà Hạ, sau này được cống nạp cho Kiệt Vương để cầu hoà. Vua Kiệt say mê nhan sắc của Muội Hỷ, đưa nàng lên làm ái phi và ân sủng nàng nhất trong cung.

img

Ảnh minh họa.

Muội Hỷ có nhan sắc mạnh mẽ, sắc sảo. Lúc thường ngày, nàng thích ăn mặc như nam nhân, võ tướng. Khi ân ái, nàng cũng thích ở vị trí của đàn ông. Có lẽ bởi khí chất riêng biệt giữa hàng trăm cung tần yểu điệu thục nữ mà nàng chiếm được độc sủng của Kiệt Vương.

Muội Hỷ còn có một nụ cười mê đắm lòng người nhưng nàng chỉ nở nụ cười khi nghe thấy tiếng xé lụa. Để nàng được vui, Kiệt Vương ngày ngày lệnh cho cung nhân mang khăn lụa đến xé trước mặt nàng. Vua còn xây Dao đài bằng ngọc với 3000 trai giá đứng sẵn trong tư thế đợi lệnh. Quả là ngàn vàng mua một nụ cười mỹ nhân.

img

Hiểm họa bắt đầu khi vua Kiệt tấn công nước Manh Sơn, nước này cũng hiến tặng hai mỹ nữ Diễm, Uyển khiến vua sủng ái. Muội Hỷ từ đó bị lạnh nhạt nên lòng oán hận, bí mật qua lại với Y Doãn nước Thương làm tiết lộ nhiều cơ mật của triều Hạ. Trong khi vua Kiệt đam mê tửu sắc thì Thương Thang liên kết các bộ tộc, triệt hạ các nước chư hầu của Hạ, đánh bại Hạ Kiệt. Nội ứng, ngoại hợp, thêm lòng dân căm phẫn, diệt vong cũng là kết quả tất yếu. Chính bởi việc rửa hận bởi thất sủng, Muội Hỷ trở thành Hoàng hậu đầu tiên làm mất nước trong lịch sử Trung Hoa.

2. Đát Kỷ

Đát Kỷ là một nhân vật trong dã sử, là hoàng hậu của Trụ Vương - vị hoàng đế cuối cùng thời nhà Thương. Vẻ đẹp kiều mị, khả năng quyến rũ cùng tri thức, tài năng của nàng khiến Trụ Vương mê đắm đến "hồn xiêu phách lạc".

img

Một trong những "hồng nhan họa quốc" nổi tiếng lịch sử phong kiến Trung Quốc là Đát Kỷ.

Để Trụ Vương mê muội, Đát Kỷ nghĩ ra những thức độc lạ, ăn chơi hưởng lạc như rừng thịt, hồ rượu. Vườn Thượng uyển biến thành nơi treo những món ăn từ thịt thú quý hiếm. Hồ được đổ đầy rượu để chàng nàng thưởng thức, vãn cảnh.

Có món ngon, có rượu ngọt lại có mỹ nữ yêu chiều kề cận thì sao có thể nghĩ đến muôn dân đói khổ, lầm than? Chiều lòng mỹ nữ, Trụ Vương còn xây Lộc đài cao ngàn thước, tiêu tốn sức dân khắp kinh thành. Không những thế, Đát Kỷ tàn nhẫn đến độ nghĩ ra những trò tra tấn quái đản để trừ bỏ những kẻ chống đối.

img

Sự say mê tửu sắc bỏ bê triều chính của Trụ Vương và những trò hành hạ ngày càng tàn bạo của Đát Kỷ khiến muôn dân lầm than, oán thán đến cùng cực. Được sự ủng hộ từ dân chúng và các nước chư hầu, Chu Võ Vương Cơ Phát đã dựng cờ khởi nghĩa lật đổ Trụ Vương lập nên nhà Chu. Trụ Vương buộc phải tự thiêu, "mỹ nhân họa quốc" Đát Kỷ cũng phải tự vẫn.

3. Bao Tự

Vì mỹ nhân mà nhà Thương mất nước vào tay họ Chu, trớ trêu thay sau này nhà Chu cũng vì nhan sắc Bao Tự mà dẫn đến thảm cảnh "thành nghiêng, nước đổ".

img

Bao Tự là mỹ nữ của triều Chu U Vương, dung nhan nàng xinh đẹp hiếm thấy nhưng lại hiếm khi cười. Để thấy được nụ cười của nàng, nhà vua nghe theo lời của Quắc công Thạch Phủ mà đốt lửa trên phong hỏa đài – nơi khai hỏa ra hiệu cho chư hầu dẫn quân tới cứu khi có giặc xâm lược. Thấy vậy, quân chư hầu hớt hải mang binh sĩ đến ứng cứu. Nhưng đến nơi lại chẳng thấy một bóng giặc cỏ, quân chư hầu cứ ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự nhìn thấy cảnh ấy thì bật tiếng cười lớn làm vua vô cùng hoan hỉ.

img

Ít lâu sau, U Vương thi thoảng lại thắp lửa trên phong hỏa đài để mang tiếng cười cho người đẹp. Cũng vì điều ấy mà sau này Chu U Vương mất nước. Khi Bao Tự hạ sinh vương tử Bá Phục, vua phế truất Thân hậu và thái tử.

Cha Thân hậu sinh oán hận mà liên kết với quân Khuyến Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp kinh đô. Nhưng khi U Vương thắp lửa gọi ứng cứu, quân lính xung quanh chẳng bận tâm vì nghĩ rằng, vua vui đùa, cuối cùng vua bị giết dưới tay Khuyến Nhung. Bao Tự thấy tình cảnh nổi loạn vào trong cung, nàng cũng thắt cổ tự vẫn.

4. Trần Viên Viên

Trần Viên Viên là một danh kỹ ở Nam Kinh được Chu hoàng hậu mua về cung vì lòng ghen tức sự sủng ái của vua với Điền Quý phi. Vua Sùng Trinh vì nàng mà trở nên mê mẩn, ở mãi trong cung không muốn thiết triều. Bởi vậy mà đến năm 1640, nhà Minh suy tàn, khởi nghĩa của nhân dân bùng lên ở khắp nơi, vua tạm gửi Viên Viên cho Khuê quốc trượng để tránh điều tiếng.

Vẻ đẹp thuần khiết của Viên Viên lọt vào mắt Ngô Tam Quế khiến người si mê. Vua Sùng Trinh đã ban Viên Viên cho vị tướng tài giỏi này.

img

Những tưởng nàng sẽ sống cuộc sống êm đềm, nhưng "hồng nhan bạc mệnh". Đến năm 1644, Lý Tự Thành đem quân đánh chiếm kinh thành khiến vua phải tự vẫn, nhà Minh sụp đổ. Viên Viên cũng bị Lý Tự Thành chiếm đoạt và đưa vào cung hầu hạ. Ngô Tam Quế biết tin mỹ nhân bị cướp thì nổi trận lôi đình và đưa ra quyết định sai lầm gây hoạ. Ông mở cửa quan, mượn sức mạnh của quân Mãn Châu đánh bại Lý Tự Thành mong đoạt lại giang sơn và người đẹp.

img

Vì mê đắm nhan sắc của Viên Viên, Lý Tự Thành không màng cố thủ thành trì trước sự tấn công của kẻ địch, cuối cùng mất nước vào tay quân Mãn Châu. Cũng bởi vậy mà Lý Tự Thành trở thành ông vua thứ hai mất nước bởi Viên Viên. Quả thực là "anh hùng không qua ải mỹ nhân". Sắc đẹp thực sự khiến "thành nghiêng nước đổ", Trần Viên Viên từ đó cũng nổi tiếng trong sử sách Trung Hoa.