Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện nay đang vào mùa cao điểm mua sắm Tết. Hiện có tình hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thâm nhập thị trường, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như vật dụng trang trí, lương thực, thực phẩm, bánh, kẹo…
Vì vậy, Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra, xử lý vấn đề nóng này.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức được yêu cầu tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của các cơ sở kinh doanh, kho hàng, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí Tết…
Các đơn vị này được yêu cầu phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không chứng từ…
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các hệ thống bán lẻ triển khai hiệu quả chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm), kịp thời chia sẻ thông tin nhà cung cấp vi phạm cam kết chất lượng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông tại điểm bán, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt, ưu tiên mua sắm sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.
Sàn thương mại điện tử tìm kiếm và lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng, nhằm bổ sung nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Các sàn tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm kinh doanh trên sàn, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các địa phương và đơn vị được yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng như hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, nhận biết các dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, hàng hết hạn sử dụng; khuyến khích ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước uy tín…
Đối với nguồn cung dịp Tết Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương TP.HCM cho biết các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường 2024 chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Dự kiến trung bình mỗi tháng Tết cung ứng ra thị trường 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…