Dân Việt

Bê bối gian lận học thuật đáng xấu hổ nhất tại Tây Ban Nha

Trọng Hà (Theo Opinion de Zamora) 04/01/2025 08:00 GMT+7
Vụ bê bối của Giáo sư Juan Manuel Corchad được coi là một trong những sự kiện đáng xấu hổ nhất trong giới khoa học Tây Ban Nha.

Tháng 5/2024, nhà xuất bản Springer Nature nhận được đơn tố cáo Giáo sư Juan Manuel Corchad, Hiệu trưởng Đại học Salamanca (Tây Ban Nha), gian lận trong việc trích dẫn. Sau bốn tháng điều tra, ông Chris Graf, Giám đốc liêm chính khoa học của Springer Nature, khẳng định 75 bài nghiên cứu của Giáo sư Juan chứa đựng nhiều sai phạm, bao gồm quy trình biên tập thiếu chuẩn mực, số lượt trích dẫn bất thường và không minh bạch trong các mối quan hệ hoặc xung đột lợi ích.

Năm 2024, số lượt trích dẫn của ông Juan trên Google Scholar đạt 44.000 lượt, nhưng tại các nền tảng uy tín như Web of Science (WoS) chỉ có 8.700 lượt. Ông bị phát hiện sử dụng tài khoản ảo để tự trích dẫn và tải lên ResearchGate. Chỉ riêng một bài viết về Covid-19, ông tự trích dẫn 100 lần, và trong một đoạn tóm tắt khác, con số này lên tới 227 lần. Ngoài ra, ông còn ép buộc giảng viên và tổ chức hội nghị để nhồi nhét các trích dẫn của mình.

Bê bối gian lận học thuật lớn chưa từng có tại Tây Ban Nha

Bê bối gian lận học thuật lớn chưa từng có tại Tây Ban Nha - Ảnh 1.

Giáo sư Juan Manuel Corchad, Hiệu trưởng Đại học Salamanca (Tây Ban Nha). Opinion de Zamora.

Theo báo El País, 75 bài báo của ông Juan trên Springer Nature nhận gần 1.700 lượt trích dẫn từ cộng sự, nhằm đưa ông vào danh sách những nhà nghiên cứu có lượt trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học máy tính. Tuy nhiên, hành vi gian lận trắng trợn này đã khiến ông mất danh tiếng, bị Springer Nature rút lại toàn bộ 75 bài báo và Đại học Salamanca xóa hơn 200 tài liệu của ông khỏi kho lưu trữ điện tử.

Vụ bê bối của Giáo sư Juan Manuel Corchad được coi là một trong những sự kiện đáng xấu hổ nhất trong giới khoa học Tây Ban Nha. Theo Ủy ban Đạo đức thuộc Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), hành vi của ông không chỉ vi phạm đạo đức nghiên cứu mà còn có tính hệ thống và cố tình nhằm thổi phồng hồ sơ khoa học cá nhân.

Bà Nonia Pariente, Tổng biên tập Tạp chí "PLoS Biology," chỉ trích mạnh mẽ: “Một người có hành vi gian lận như vậy không xứng đáng giữ vị trí hiệu trưởng. Nếu là Giáo sư Juan Manuel Corchad, tôi sẽ từ chức.”

Ông Chris Graf nhấn mạnh rằng trích dẫn không chỉ để xác minh nguồn tài liệu mà còn là thước đo giá trị kế thừa của các nghiên cứu trước. Do đó, các nhà nghiên cứu phải thực hiện trích dẫn một cách trách nhiệm. Hành vi gian lận của Giáo sư Juan không chỉ làm tổn hại danh tiếng cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đại học Salamanca và nền khoa học Tây Ban Nha.

Việc Springer Nature rút 75 bài báo của ông Juan là động thái chưa từng có, phản ánh sự nghiêm khắc của nhà xuất bản đối với hành vi gian lận. Bê bối này cũng là lời cảnh tỉnh cho giới nghiên cứu về trách nhiệm và đạo đức trong công việc, đồng thời đặt ra nhu cầu tăng cường các biện pháp giám sát và minh bạch trong xuất bản khoa học.