Dân Việt

Tăng cường chống bạo lực, xâm hại cho đối tượng bảo trợ xã hội ở TP.HCM

Diệu Bình 03/01/2025 17:52 GMT+7
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích cho đối tượng bảo trợ xã hội và chấp hành các quy định pháp luật về công tác trợ giúp xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về công tác phòng ngừa bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng yếu thế trên địa bàn TP.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội, nhân viên, tình nguyện viên trên địa bàn TP.

Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng bạo hành, ngược đãi, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng đối tượng quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Tăng cường chống bạo lực, xâm hại cho đối tượng bảo trợ xã hội ở TP.HCM - Ảnh 1.

Trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng được chuyển sang trung tâm bảo trợ xã hội mới. Ảnh: D.B

Công an TP tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý cư trú, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội. Phối hợp các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, người dân, đội ngũ nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội về chính sách trợ giúp xã hội, công tác phòng, ngừa bạo lực, xâm hại đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, các đối tượng yếu thế khác và những kỹ năng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các quy định pháp luật, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, giám sát chặt chẽ cơ sở trợ giúp xã hội, không để xảy ra tình trạng bạo hành, ngược đãi, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng đối tượng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền để phát sinh vụ việc nghiêm trọng.

Mặt khác, bố trí đủ cán bộ, công chức làm công tác xã hội tại địa phương, thiết lập cán bộ đầu mối để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh liên quan hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và người yếu thế khác.

UBND TP.HCM giao các cơ sở trợ giúp xã hội nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và nhân viên, tình nguyện viên về chấp hành những quy định pháp luật liên quan đến công tác trợ giúp xã hội; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự theo quy định và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội.