Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chứng kiến nhiều biến động thời cuộc, chống chọi với biết bao kẻ thù. Nhờ tài trí, sự dũng cảm, người Việt đã sáng tạo nên nhiều chiến thuật quân sự, lập nên nhiều đội quân đặc biệt. Trong số đó, không thể không kể đến đội quân “tình báo ăn mày” hay còn gọi là “ăn mày do thám”.
Họ là đội quân do Phạm Ngũ Thư dẫn đầu. Đội quân này chuyên giả làm ăn mày, ăn mặc rách rưới, dơ dáy, có mặt ở khắp nơi, đặc biệt là các trại quân Minh. Họ nghe ngóng tin tức, nắm tình hình địch và chiến thuật của chúng rồi về tâu với thủ lĩnh bên ta. Từ đó mà đội quân Lam Sơn phần nào có thể lên kế hoạch tác chiến từ sớm, nắm được ý đồ của địch.
Nói về thủ lĩnh của đội quân “tình báo ăn mày”, ông là Phạm Ngũ Thư, cháu ba đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, lộ Hải Đông (nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
Sinh thời, Phạm Ngũ Thư chứng kiến sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Ông khi đó đang làm quan nhưng quyết định về ở ẩn, xuất gia tu hành ở chùa Vân Yên trên dãy Yên Tử. Pháp danh của ông là Trí Lâm.
Đến khi nhà Hồ sụp đổ, quân Minh bắt đầu xâm lược nước ta. Chứng kiến dân chúng lầm than, Phạm Ngũ Thư quyết định hoàn tục và tham gia đội quân Lam Sơn của Lê Lợi.
Ông đã xây dựng mạng lưới tình báo khắp mọi nơi dưới lớp vỏ dân thường, ăn mày. Bản thân Phạm Ngũ Thư cũng đóng giả người hành khất.
Sau khi đánh đuổi được quân Minh, giành lại độc lập, Lê Lợi lên ngôi, lập nên nhà Hậu Lê. Phạm Ngũ Thư nhờ có công lớn nên được vua ban thưởng hậu hĩnh, đề bạt làm quan. Thế nhưng, vị thủ lĩnh này lại từ chối. Ông viện cớ mình tàn tật mà chỉ xin nhận 200 mẫu ruộng, về quê sinh sống. Sau này, toàn bộ số ruộng đó Phạm Ngũ Thư chia cho dân nghèo, còn dặn gia đình làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người khó khăn.
Về phần mình, Phạm Ngũ Thư quyết định ra đi với cây gậy và bộ quần áo rách. Ông sống cảnh nay đây mai đó, ăn xin sống qua ngày. Bên cạnh đó, thủ lĩnh của “đội quân tình báo ăn mày” còn truyền bá Phật pháp cho muôn dân. Đến tận khi qua đời, trên mộ của ông cũng chỉ khắc dòng chữ: Phạm khất sĩ chi mộ (tạm dịch là mộ của người ăn mày họ Phạm).