Dân Việt

Gần 30 trường dự kiến phương án tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều top đầu

Tào Nga 04/01/2025 10:45 GMT+7
Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2025 với 3 phương thức tuyển sinh.

Phương án tuyển sinh Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2025

Theo dự kiến, Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành cho 89 chương trình, trong đó có hai chương trình mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Nhà trường dự kiến xét tuyển 1 đợt/năm, trong khoảng thời gian từ tháng 6 – 8/2025 và sẽ có thông báo riêng để thí sinh, phụ huynh được biết.

Về phương thức tuyển sinh, theo đề án mới công bố, năm 2025, Đại học Kinh tế quốc dân giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh là: xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp.

Xét tuyển thẳng được áp dụng với học sinh thuộc một trong các nhóm: là diện chính sách, được tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT; đạt giải Ba trở lên trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia; giải Nhất trở lên trong kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc gia.

Đại học Kinh tế Quốc dân và gần 30 trường đại học dự kiến phương án tuyển sinh năm 2025 - Ảnh 1.

Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Tào Nga

Trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 tổ hợp, gồm A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh); không có sự chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) giữ nguyên so với năm trước, ở mức 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên.

Những thí sinh thuộc diện tuyển thẳng nhưng không dùng sẽ được cộng 1 - 2 điểm khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.

Xét tuyển kết hợp (theo đề án tuyển sinh của trường), dành cho ba nhóm thí sinh. Nhóm 1 là những em có chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200/1600 hoặc ACT 26/36 trở lên. Nhóm 2 dành cho thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HAS), Đại học Quốc gia TP.HCM (APT), đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; trong đó tối thiểu 85/150 HSA, 700/1200 APT hoặc 60/100 TSA. Các em có thể xét tuyển độc lập kết quả thi hoặc kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS từ 5.5, TOEFL iBT 46 trở lên. Nhóm 3 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh kết hợp với điểm thi tốt nghiệp môn toán và một môn khác. Điều kiện về chứng chỉ tương tự nhóm 2.

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế TP.HCM 2025

Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM dự kiến có 5 phương thức tuyển sinh. Các phương thức áp dụng tại cơ sở TP.HCM gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT; xét thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài kết hợp chứng chỉ quốc tế; Xét TS có kết quả học tập tốt; Xét điểm thi đánh giá năng lực kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Riêng phân hiệu Vĩnh Long, trường dự kiến xét thêm điểm kỳ thi V-SAT.

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM năm 2025

Năm 2025, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến có 3 phương thức tuyển sinh chủ đạo. Cụ thể gồm: Xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển tổng hợp; Xét điểm kỳ thi V-SAT.

Trong đó, phương thức xét tuyển tổng hợp năm nay căn cứ trên điểm học tập THPT 6 học kỳ theo tổ hợp môn (trước đó chỉ xét điểm của 3 học kỳ).

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Mở TP.HCM năm 2025

Trường Đại học Mở TP.HCM giữ các phương thức xét tuyển như 2024. Trong đó, nhóm các phương thức theo quy định chung của Bộ GDĐT và theo đề án riêng của trường như sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy chế

Phương thức 2: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phương thức 3: Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế như IB từ 26 điểm trở lên, A-Level từ C trở lên ở mỗi môn, hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên

Phương thức 4: Xét tuyển thí sinh đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học THPT, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế;

Phương thức 5: Xét tuyển thí sinh đạt kết quả học lực tốt và kết quả rèn luyện tốt các năm học THPT

Phương thức 6: Xét tuyển theo kết quả học tập THPT TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT

Phương thức 7: Xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM và kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính.

Phương án tuyển sinh Trường Đại học Lạc Hồng năm 2025

Trường Đại học Lạc Hồng năm 2025 dành 20% cho điểm thi tốt nghiệp THPT, 10% dành cho đánh giá năng lực của trường, Đại học Quốc gia TP.HCM và V-SAT.

Tổ hợp môn xét điểm thi tốt nghiệp cũng phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm như dự thảo của Bộ.

Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Năm 2025 Trường dự kiến tuyển 1.756 chỉ tiêu cho 17 ngành với 3 phương thức xét tuyển, gồm:

Phương thức 1: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT (55 - 60% tổng chỉ tiêu)

Phương thức 2: Xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (5 - 10%)

Phương thức 3: Xét học bạ (35 - 40%).

Tại phương thức xét học bạ THPT, trường dự kiến sử dụng tổng điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn hoặc điểm xét tốt nghiệp của thí sinh. Các tổ hợp môn sẽ dựa trên các môn toán, văn, tiếng Anh, đồng thời bổ sung thêm các tổ hợp môn có môn công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển cho các khối ngành phù hợp.

Trước đó đã có nhiều trường công bố phương án tuyển sinh năm 2025: 

1. Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM  

2. Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.HCM

3. Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM

4. Trường Đại học Ngoại ngữ Tin học TP.HCM

5. Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

6. Trường Đại học Luật TP.HCM

7. Trường Đại học Cửu Long

8. Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An

9. Trường Đại học Giao thông vận tải 

10. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

11. Trường Đại học Đà Lạt

12. Trường Đại học Tài chính - Marketing

13. Học viện Báo chí và Tuyên truyền

14. Trường Đại học Hà Nội

15. Đại học Bách Khoa Hà Nội

16. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

17. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

18. Trường Đại học Thương mại

19. Trường Đại học Sư phạm TP.HCM

20. Trường Đại học Gia Định

21. Trường Đại học Công Thương TP.HCM

22. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành