Theo đó, UBND TP.HCM nhận được Công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác bảo vệ môi trường liên quan việc sử dụng thí điểm cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông.
Chủ tịch UBND TP giao các Sở, ban ngành liên quan và UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận, huyện khẩn trương nghiên cứu, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, các vấn đề môi trường nổi cộm trong quá trình thi công và khi các dự án giao thông sử dụng thí điểm cát biển để san lấp về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT, UBND TP định kỳ hàng năm và trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường.
Trên cơ sở đánh giá tình hình triển khai thực hiện, căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất phương án triển khai sử dụng cát biển phục vụ cho các dự án khác có nhu cầu san lấp trên địa bàn TP.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 225/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về kết quả khảo sát nắm tình hình và làm việc với các bộ, địa phương về bảo đảm vật liệu san lấp cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Thông báo nêu rõ, đảm bảo vật liệu san lấp là điều kiện tiên quyết để hoàn thành tiến độ của các dự án, yêu cầu các bộ, ngành theo thẩm quyền và trách nhiệm được giao chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để tình trạng thiếu vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương lập phương án tổng thể nhu cầu về vật liệu san lấp cho các dự án theo tiến độ cụ thể.
Trong đó đánh giá kỹ lưỡng khả năng cung ứng của cát sông: từ các mỏ hiện hữu đang khai thác, khả năng nâng công suất; từ mở các mỏ mới; từ việc tận dụng cát từ hoạt động nạo vét (lòng hồ, chỉnh trị, tạo dòng chảy lòng sông); phải tính đúng, tính đủ, đánh giá chính xác khả năng khai thác thực tế, không tính toán theo trữ lượng.
Trên cơ sở đó, đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm giải quyết của từng tập thể, cá nhân (ở trung ương, địa phương).
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM; khẩn trương phối hợp với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương có liên quan để giải quyết các thủ tục khai thác, giao mỏ cát làm vật liệu san lấp theo cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đối với dự án này.