Dân Việt

Chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau, bạo lực tại nơi công cộng

Nguyễn Đức 04/01/2025 14:31 GMT+7
Theo các chuyên gia, luật sư, khi xảy ra va chạm giao thông hoặc các vụ việc tương tự, người dân cần bình tĩnh, lắng nghe và đối thoại nhằm giải quyết vụ việc, tránh vướng vào vòng lao lý.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ xô xát, đánh nhau ở nơi công cộng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điển hình, ngày 1/1, Công an quận 1 (TP.Hồ Chí Minh) đã bắt khẩn cấp 2 đối tượng để lấy lời khai, điều tra hành vi "Gây rối trật tự công cộng". Hai ngày trước, cặp đôi nam nữ đã có hành vi hành hung tài xế công nghệ sau va chạm giao thông trên đường Lê Duẩn, quận 1.

Tương tự, ngày 2/1, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình, TP.HCM đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với đối với Lê Sỹ Mạnh để điều tra hành vi Gây rối trật tự công cộng. Trước đó, Mạnh có hành vi đánh trọng tài trong trận đấu bóng đá tại một giải phong trào có tiếng ở TP.HCM.

Người dân cần hành xử văn minh, lắng nghe và đối thoại

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý xã hội (Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội) cho hay, tâm lý của người dân khi xảy ra va chạm giao thông thường thiếu kiềm chế, mất kiểm soát, hoảng loạn, mất bình tĩnh. 

Trong trường hợp này, họ thường đổ lỗi cho nhau và có những lời qua tiếng lại, thậm chí nói lớn nhằm giải quyết vụ việc, bảo vệ cho bản thân. Khi sự việc đến mức căng thẳng, họ chọn bạo lực để giải quyết vấn đề thay vì chọn giải quyết va chạm trên tinh thần đối thoại, hòa bình.

Chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau, bạo lực tại nơi công cộng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý xã hội (Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp.

"Bởi vậy khi tham gia giao thông, người dân cần ứng xử văn minh, lắng nghe và đối thoại với nhau, đồng thời, phải thật bình tĩnh, không dùng lời nói, câu nói đe dọa hoặc chửi bới nhau. Đặc biệt, không dùng những cử chỉ như dùng tay chỉ vào đối phương để giải quyết xô xát. Trường hợp không thể giải quyết vụ việc, cần gọi cho cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật", ông Sơn chia sẻ và nói thêm, chỉ có hành xử văn minh mới bảo vệ được bản thân họ và những người thân xung quanh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, các vụ đánh nhau sau va chạm giao thông hoặc xô xát trên sân bóng xảy ra trong thời gian qua xuất phát từ nhiều yếu tố.

Trước hết, ông cho rằng sự xuống cấp của văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay là một yếu tố quan trọng. Nhiều người dân thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc khi đối diện với những tình huống căng thẳng như va chạm giao thông, hay gặp phải tình huống lời qua tiếng lại. 

"Tôi nghĩ rằng áp lực từ cuộc sống hiện đại cũng là một tác nhân không nhỏ. Những căng thẳng từ công việc, gia đình, hay các vấn đề cá nhân có thể làm cho một số người trở nên dễ mất kiểm soát, đặc biệt trong các tình huống va chạm nhỏ nhặt. Thay vì bình tĩnh giải quyết, họ dễ dàng để cảm xúc lấn át, dẫn đến hành vi bộc phát như đánh nhau, xô xát", ông Sơn phân tích.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc thiếu hụt giáo dục về kỹ năng sống và ý thức pháp luật cũng góp phần không nhỏ dẫn tới các vụ việc nêu trên. Nhiều người chưa được trang bị cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ. Họ cũng chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả pháp lý nghiêm trọng mà những hành vi này có thể mang lại.

"Tác động từ truyền thông và mạng xã hội cũng là một nguyên nhân, không thể bỏ qua. Tôi nghĩ rằng, việc lan truyền các hình ảnh và nội dung cổ xúy bạo lực trên mạng đã vô tình làm cho một số người xem thấy đó là điều bình thường, thậm chí đáng thử. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi những vụ việc như vậy có thể gây hiệu ứng bắt chước trong cộng đồng hiện nay", ông nói thêm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lưu ý, để tránh bị khởi tố về các hành vi gây rối trật tự công cộng, người dân cần đặc biệt chú ý kiềm chế những hành vi có thể dẫn đến xung đột hoặc gây mất an ninh trật tự.

Chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau, bạo lực tại nơi công cộng- Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Trước hết, việc kiểm soát cảm xúc là điều quan trọng nhất. Khi gặp những tình huống căng thẳng như va chạm giao thông hay tranh cãi nơi công cộng, người dân nên giữ bình tĩnh, không để sự nóng giận lấn át hành động. Việc la hét, xúc phạm, hoặc dùng lời lẽ đe dọa người khác dễ dàng làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến hậu quả pháp lý.

Việc sử dụng bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả những hành động như xô đẩy, đánh người hay phá hoại tài sản, là điều cần tuyệt đối tránh. Theo quy định, những hành vi gây rối nơi công cộng không chỉ làm mất trật tự công cộng mà còn có thể bị xử lý rất nghiêm khắc.

"Ngay cả khi cảm thấy mình đang bị thiệt hại hay bất công, người dân cũng nên ưu tiên tìm cách giải quyết thông qua đối thoại hoặc nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng thay vì tự mình hành động", ông Sơn lưu ý.

Hành vi đánh nhau ở nơi công cộng gây ảnh hưởng tới xã hội đều có thể bị xử lý hình sự

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, việc liên tục xảy ra các vụ việc đánh người nơi công cộng do vi phạm giao thông, do mâu thuẫn cá nhân, thậm chí cầu thủ đánh trọng tài trên sân.

Điều này cho vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số nơi, một số thời điểm đã không tốt, có những người có ý thức coi thường pháp luật, chỉ vì cái tôi cá nhân, vì cho rằng lợi ích của mình bị xâm phạm mà sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, hành vi đánh người nơi công cộng là hành vi trái pháp luật, không chỉ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân mà còn xâm phạm đến trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.

"Tất cả những hành vi đánh nhau, đánh người nơi công cộng như sân bóng, siêu thị, khu vui chơi, nơi có các hoạt động giải trí, đường phố, sân bay….vì bất cứ lý do gì thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật", ông Cường nói.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi dùng cơ bắp, vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong đó có thể kể đến là vấn đề nhận thức, ý thức coi thường pháp luật. Người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, đánh ở nơi công cộng thường là những người không được giáo dục đến nơi đến chốn.

Những người thường xuyên gây gổ, sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thường có thể là những người nóng nảy, thiếu kiểm chế về cảm xúc, không được giáo dục đầy đủ và có ý thức coi thường pháp luật".

Chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn tới các vụ đánh nhau, bạo lực tại nơi công cộng- Ảnh 4.

Tiến sĩ luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Theo quy định Bộ luật hình sự 2015, hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí có thể gây ra thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Các ví dụ điển hình cho hành vi gây rối trật tự công cộng được biểu hiện cụ thể như: Dùng cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người; Có hành vi phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng; Tụ tập, hò hét, đua xe trái phép; Hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng; Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng…

"Những người thực hiện hành vi nêu trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đánh người nơi công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Cường phân tích.

Vị chuyên gia luật cho biết thêm, để giảm thiểu những vụ việc cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích.