Theo sử sách ghi lại, di tích Đền Mẫu Cấm Sơn và hang núi Cấm có lịch sử xây dựng vào thời nhà Nguyễn trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật và nguồn tư liệu chữ Hán có giá trị; là điểm ghi dấu sự chiến đấu ngoan cường của người dân địa phương phối hợp chặt chẽ với quan quân triều đình xóa bỏ hoàn toàn quân Cờ Vàng, để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, biên cương của Tổ quốc.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, trải qua gần 2 thế kỷ, Đền Mẫu Cấm Sơn đã gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của nhiều người dân địa phương. Qua nhiều lần trùng tu, ngôi đền ngày nay có kiến trúc khang trang, rộng rãi, trở thành nơi sinh hoạt tín tưởng của nhiều người dân.
Ngày 20/11/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 3538 về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích Đền Mẫu Cấm Sơn và hang núi Cấm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành chúc mừng tỉnh Hà Giang đã có thêm một di tích cấp quốc gia; đồng thời đề nghị ngành Văn hóa tỉnh và chính quyền thành phố Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa; thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, biến văn hóa thành tài sản để phát triển kinh tế - xã hội; triển khai cắm mốc di tích, công khai bản đồ khoanh vùng để bảo vệ di tích.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ về ý nghĩa, giá trị của di tích; qua đó nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di tích.
Ngay sau buổi lễ, các đại biểu và Ban Quản lý Đền đã tiến hành nghi thức rước Bằng công nhận di tích từ Quảng trường 26/3 về Đền Mẫu và tổ chức hoạt động nghi lễ tại đền.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh Hà Giang có 61 di tích được xếp hạng, trong đó có 33 di tích cấp quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh. Các di tích xếp hạng được quan tâm đầu tư, trùng tu, bảo tồn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân; từng bước nâng tầm các di sản văn hóa, để văn hóa thực sự là mục tiêu và là động lực của phát triển kinh tế - xã hội.