Dân Việt

Vụ người đàn ông trùm kín mặt, bấm đèn đỏ khiến xe dừng không kịp ở TP.HCM và quy định pháp luật liên quan

Quang Trung 11/01/2025 10:10 GMT+7
Theo luật sư, trường hợp người dân tự ý tác động vào hệ thống đèn giao thông mà không có chức trách nhiệm vụ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể được xác định là hành vi cản trở giao thông đường bộ hoặc hành vi gây rối trật tự công cộng.


Công an xác minh clip người đàn ông trùm kín mặt đột ngột bấm đèn đỏ ở TP.Hồ Chí Minh

Ngày 9/1, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài gần 1 phút quay cảnh một người đàn ông có hành vi kỳ lạ tại chốt giao thông.

Theo clip ghi lại, người đàn ông này mặc thường phục, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang che kín mặt và đứng cạnh hộp điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở một giao lộ.

Theo hình ảnh ghi nhận, khi tín hiệu đèn đỏ đang giảm dần, còn khoảng 30 giây thì bất ngờ người đàn ông che mặt nói trên có hành động ở hộp điều khiển khiến đèn bật sang xanh.

Trên tuyến đường của người quay clip, khi thấy tín hiệu đèn xanh các phương tiện lập tức di chuyển. Nhưng ở giao lộ bên kia, nhiều xe tải đang di chuyển bị bất ngờ khi thấy đèn đỏ nên không kịp dừng lại.

Diễn biến trong clip còn cho thấy cách chốt đèn tín hiệu giao thông này vài chục mét có xe ô tô đặc chủng của lực lượng CSGT.

Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM (PC08) cho biết, đơn vị đã nắm được clip trên. Vụ việc xảy ra trên địa bàn do Đội CSGT An Lạc quản lý.

Vụ người đàn ông trùm kín mặt, bấm đèn đỏ khiến xe dừng không kịp ở TP.HCM và quy định pháp luật liên quan- Ảnh 1.

Hình ảnh người đàn ông bịt kín bấm bảng điều khiển tín hiệu đèn giao thông gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip.

Theo lãnh đạo PC08, người mặc đồ kín mít bấm đèn giao thông trong clip là anh thanh niên xung phong ở quận Bình Tân. Anh này đi ngang giao lộ Võ Trần Chí - Trần Đại Nghĩa thấy đường kẹt xe nên đến trụ đèn để điều khiển. Đội CSGT An Lạc đã báo cáo vụ việc về đơn vị và Phòng PC08 đã báo cáo Cục CSGT.

Người dân không được tự ý ấn nút điều khiển đèn tín hiệu giao thông 

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc người đàn ông trùm kín mít tác động vào hệ thống đèn tín hiệu giao thông trong bối cảnh nghị định mới của Chính phủ đang tăng mức phạt đối với hành vi vượt không chấp hành đèn giao thông lên đến 20 triệu đồng đối với xe ô tô và 6 triệu đồng đối với xe mô tô là tình huống gây tranh cãi trong xã hội.

Bởi vậy, việc xác minh làm rõ nguyên nhân, đánh giá tác động của hành vi này đối với người tham gia giao thông là rất cần thiết.

Dưới góc độ pháp lý, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành đèn tín hiệu ở nơi có đèn tín hiệu và chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Trong trường hợp đèn tín hiệu bị hỏng, bị lỗi không hoạt động bình thường sẽ coi như không có đèn tín hiệu, việc giao thông diễn ra theo quy định chung và người tham gia giao thông không có nghĩa vụ phải dừng lại khi đèn hỏng.

Đối với trường hợp có người điều khiển giao thông khác với tín hiệu đèn, sẽ chấp hành theo tín hiệu điều khiển của người có chức vụ quyền hạn.

Những trường hợp lực lượng chức năng huy động, hỗ trợ người dân, lực lượng xung kích tham gia điều khiển giao thông, thường sẽ mặc áo tình nguyện viên, công an viên, đeo băng đỏ, cầm cờ và điều khiển giao thông công khai ở các điểm giao cắt có ùn tắc trong giờ cao điểm.

Còn trường hợp người hỗ trợ lực lượng chức năng điều khiển giao thông mà bịt kín mặt, không đeo băng đỏ, không cầm cờ, gậy chuyên dụng để điều khiển công khai nơi đang có ùn tắc giao thông mà lại có hành vi tự ý tác động vào hệ thống đèn tín hiệu, rõ ràng gây ra tranh cãi trong xã hội là điều không tránh khỏi.

Vì thế, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính của người đàn ông trong đoạn clip, làm rõ động cơ mục đích, thời điểm xảy ra vụ việc và làm rõ tình hình giao thông ở khu vực trước, trong và sau khi người này tác động vào hệ thống đèn tín hiệu.

Theo ông Cường, trường hợp người này được cơ quan chức năng giao nhiệm vụ hỗ trợ để điều khiển giao thông cũng cần làm rõ thẩm quyền, nội dung, mục đích và hiệu quả trong công việc.

Ngược lại nếu trường hợp tự ý tác động vào hệ thống đèn giao thông mà không có chức trách nhiệm vụ, đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể được xác định là hành vi cản trở giao thông đường bộ hoặc hành vi gây rối trật tự công cộng.

Tùy vào tính chất mức độ, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.