Về những định hướng tổng thể cho mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP.HCM) trong thời gian tới, ông Dương Đức Minh - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và Du lịch nói: “Mong muốn mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng sẽ đoạt giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng và sẽ là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới. Trong bối cảnh phân tích các tiêu chí, để có thể xây dựng sản phẩm du lịch Thiềng Liềng hoàn thiện, ngay từ đầu, mô hình du lịch Thiềng Liềng được xác định là phát triển du lịch xanh".
Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tổ chức ngày 9/1.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Thành phố về kết quả hoạt động Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, đến thời điểm tháng 12/2024, tại Thiềng Liềng có các điểm dịch vụ cụ thể như: Chuỗi điểm đến gắn với hộ gia đình gồm 19 hộ và 1 Câu lạc bộ Nghệ thuật đờn ca tài tử; 5 điểm tham quan, trải nghiệm công cộng.
Từ khi ra mắt (tháng 12/2022) đến nay, lượng khách đến Thiềng Liềng đạt gần 5.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Điểm đến du lịch cộng đồng được bình chọn và công nhận là 1 trong "100 điều thú vị Thành phố Hồ Chí Minh".
Nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các đoàn học tập, tham quan mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng. Các đơn vị đào tạo chọn Thiềng Liềng để tổ chức cho sinh viên (ngành du lịch, kinh tế, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc…) đi thực tế.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Du lịch Thiềng Liềng mong muốn các hộ dân của Tổ Du lịch cộng đồng Thiềng Liềng được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng để phục vụ du khách tốt hơn. Đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất các cấp lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ để bà con mở rộng diện tích đất xây dựng nhà ở nhằm phục vụ được nhiều du khách.
Tại hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh: “Đối với loại sản phẩm du lịch Thiềng Liềng, ý tưởng của Sở Du lịch mong muốn sẽ trở thành sản phẩm du lịch bền vững và là du lịch xanh; khác biệt với lại những sản phẩm du lịch khác, gắn với cộng đồng, người dân. Tuy nhiên, hoạt động du lịch này phải giữ gìn được bản sắc, lá phổi của cụm khu vực Thiềng Liềng".
Ông Nguyễn Văn Dũng - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhận định, sản phẩm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng ra đời trong một bối cảnh hết sức ý nghĩa.
"Sau 2 năm, chúng ta đã có lượng khách tương đối. Thông qua du lịch, mong muốn làm nhiều hơn để phục vụ cho du khách, đời sống của người dân cũng khác hơn trước; giúp cho người dân của Thiềng Liềng gần hơn với đất liền và cảm nhận rằng đất liền rất gần. Du lịch cho ta được nhiều thứ mà cũng chính du lịch đòi hỏi chúng ta phải đầu tư, làm nhiều hơn để có được những kết quả tốt hơn", ông Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn phải giữ vững mục tiêu là du lịch cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên dựa vào môi trường, khí hậu để phục vụ nhiều đối tượng du khách. Chính vì sự phát triển đó, để giữ bản sắc riêng, giữ môi trường của Thiềng Liềng và sự tác động ra cả môi trường sông nước, hệ thống rừng ngập mặn ở vùng Dự trữ sinh quyển thế giới tại Cần Giờ là một bài toán phải cần quan tâm nhiều hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, xã Thạnh An nghiên cứu tham mưu xây dựng đề án “Hỗ trợ cơ chế, chính sách phục vụ phát triển điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ” trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt nhằm vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho thành viên Tổ du lịch cộng đồng; các lớp nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư. Tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm mới và các tiêu chí hướng đến giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN, đầu tư hạ tầng giao thông, bến thủy nội địa và hệ thống xử lý rác thải, nước thải tại Thiềng Liềng.