Dân Việt

Đối thoại với nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên "hé lộ" kế hoạch đưa nông sản lên Shopee, TikTok

Hà Thanh 10/01/2025 16:22 GMT+7
Tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với hội viên, nông dân tỉnh Thái Nguyên, đã có 8 kiến nghị, đề xuất được nêu ra và nhận được sự giải đáp kịp thời của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Ngày 10/1, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn đồng hành cùng bà con nông dân - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị đối thoại. Ảnh: L.P

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân cơ sở cũng như giám đốc các HTX đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất xoay quanh một số nội dung như: Đề xuất việc quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi, chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút phát triển nông nghiệp bền vững; đề xuất ứng dụng chuyển đổi số bằng công nghệ IoT trong quản lý thiết bị và nhiên liệu, tính toán giảm phát thải nhà kính; đề nghị tỉnh có đánh giá cụ thể kết quả thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, những tồn tại nguyên nhân và giải pháp khắc phục để thực hiện việc quản lý, phát triển sản xuất theo quy hoạch trong thời gian tới…

Cụ thể, đại biểu Bùi Trọng Đại – Giám đốc HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên (xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên) nêu ý kiến: "Quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung, cho phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích trồng lúa bị xen kẹt chuyển sang trồng chè; thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo vùng nguyên liệu tập trung để thuận tiện cho trồng, chăm sóc, thu hái, ứng dụng khoa học công nghệ cao và chuyển đổi số vào các khâu trong quá trình trồng, chăm sóc và chế biến chè kết hợp với du lịch cộng đồng.

HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên cũng đề xuất tỉnh cần có chính sách quan tâm đầu tư các dự án phát triển tổng thể cho vùng chè Tân Cương, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, chế biến chè. Có cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho hoạt động chế biến kinh doanh chè, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm chè ổn định.

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn đồng hành cùng bà con nông dân - Ảnh 2.

Anh Triệu Đức Luyện, Giám đốc HTX Thái Nguyên TOTA, xã Phú Cường, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nêu kiến nghị, đề xuất tại hội nghị đối thoại. Ảnh: L.P

Chủ tịch Hội Nông dân phường Bắc Sơn (TP.Phổ Yên) đề xuất UBND tỉnh có chỉ đạo triển khai việc thực hiện quy hoạch vùng trồng trọt và chăn nuôi (gồm quy hoạch về đất đai, liên kết các thành phần: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và ngân hàng); đồng thời có chính sách cụ thể khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất hợp lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút phát triển nông nghiệp bền vững; có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao hơn cho các mô hình áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ cao cho bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp sạch.

Sau khi lắng nghe các kiến nghị, đề xuất đến từ đại diện các đơn vị trong tỉnh, đại diện các sở, ngành lần lượt có những giải đáp. 

Theo đó, giải đáp cho kiến nghị về việc quy hoạch và mở rộng diện tích đất trồng chè trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thái Nguyên khẳng định: Hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị ngành chè. Tuy nhiên, đối với tiềm năng của tỉnh Thái Nguyên vẫn có thể mở rộng diện tích, chính vì vậy, trong Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2025 về phát triển nông nghiệp đến năm 2030 cũng có định hướng mở rộng diện tích đất trồng chè đạt tới 24.000 – 24.500ha, trong đó tập trung ở những diện tích đất lúa kém hiệu quả và một phần đất vườn, đất rừng đã chuyển ra khỏi quy hoạch rừng.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ký tờ trình và dự thảo Nghị quyết tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển ngành chè Thái Nguyên, dự kiến đến hết năm 2025, diện tích trồng chè của tỉnh Thái Nguyên đạt khoảng 23.500ha.

Theo ông Sỹ, trong đề án phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên đã định hướng rất rõ về giải pháp quy hoạch vùng chè sẽ tập trung đến địa danh của các xã, các thành phố sẽ quy hoạch gắn với huyện nông thôn mới.

Giải đáp cho đề xuất về việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và phát triển sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số thực sự đang là lựa chọn tất yếu để các HTX nông nghiệp tiếp tục duy trì ở thế cạnh tranh và vươn lên trong kỷ nguyên này. Nếu chúng ta không tận dụng phương thức này thì chắc chắn chúng ta sẽ bị tụt hậu".

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn đồng hành cùng bà con nông dân - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng tại buổi đối thoại với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.P

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, vừa qua tỉnh đã ký kết hợp tác với Shopee và TikTok trình diện gian hàng của Thái Nguyên trên 2 kênh bán hàng này, đồng thời sẽ hỗ trợ đến từng hộ gia đình, từng HTX sản xuất kinh doanh để chúng ta có thể vận hành và hoạt động hiệu quả trên đó bằng cách chọn ra 300 cán bộ trẻ, trong đó 200 người là sinh viên của Trường Đại học Thái Nguyên và 100 người là tổ công nghệ số cộng đồng. 

Hiện nay, Shopee và TikTok đang huấn luyện, đào tạo 300 cán bộ này, sau đó các cán bộ này sẽ hỗ trợ các HTX sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử. 

"Chúng ta sẽ bán sản phẩm trực tiếp cho toàn thế giới và ngày 8/8/2025 tới sẽ có ngày mua sắm online của 10 nước ASEAN trực tuyến trên hai sàn lớn. Đây sẽ là cơ hội để các HTX và bà con bán sản phẩm ra không chỉ trong nước mà cả khu vực và thế giới", ông Dũng nói.