Cuốn sách là kết quả của hành trình đi dọc mảnh đất hình chữ S mang tên "99 ngày xuyên Việt cùng Mai" để tìm hiểu về văn hóa, đời sống, con người và đặc biệt là những nét đặc trưng của từng dân tộc qua trang phục.
Bông Mai chia sẻ, để thực hiện chuyến đi này, chị đã có những ngày tháng lái xe rong ruổi trên các nẻo đường từ bằng phẳng đến gập ghềnh, hành trang là những thiết bị tác nghiệp như dụng cụ ghi hình, ghi âm, máy ảnh…
Hành trình đi qua miền Tây Bắc, chị gặp những người phụ nữ dân tộc Bố Y, Dao, La Hù, Si La, Thu Lao, Pa Di… Đi qua vùng Đông Bắc chị có những câu chuyện đầy cảm hứng với những người dân tộc Cơ Lao, La Chi, Sán Chỉ, Tày, Mông… Qua Tây Nguyên chị đến với nét đẹp của người Ê Đê, HRê, Cơ Ho, Gia Rai... Rồi người Chăm ở Nam Trung Bộ hay người Thổ ở Bắc Trung Bộ… tất cả đều là những "cuộc gặp" không hẹn trước nhưng tràn đầy cảm xúc, kỷ niệm và ý nghĩa.
"Trên những chặng đường, tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình của các anh bộ đội biên phòng, những người dân địa phương. Họ tiếp đón nồng hậu, sẵn sàng mời tôi ăn những món ngon dù đôi khi còn chưa biết rõ tên tuổi của nhau" - chị chia sẻ.
Trong tác phẩm, Bông Mai đã nghiên cứu và ghi lại một cách sống động 55 bộ trang phục độc đáo với gần 1.000 chi tiết trên trang phục từ những cuộc gặp gỡ với người dân 35 dân tộc, mở ra những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và truyền thống. Không đơn thuần là một cuốn sách ảnh về các trang phục, mà cuốn sách mang lại rất nhiều cảm xúc thông qua việc kể lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa đầy sống động, nhân văn về bản sắc của từng dân tộc, được thể hiện qua những bộ trang phục độc đáo, tinh tế.
Chia sẻ với truyền thông, Bông Mai cho biết: "Tính kỷ luật trong chuyến đi này là điều quan trọng nhất. Trong vòng 80 ngày, tôi đã sưu tầm được một kho dữ liệu đồ sộ và giá trị. Khi xả kho tại Phú Yên, tôi đã khóc bởi mình có quá nhiều thứ chất lượng, kết quả của một cách làm nghiêm túc, kỷ luật".
Đây không phải là một tài liệu nghiên cứu văn hóa như các bậc cha chú đi trước đã làm. Nhưng tôi mong nó sẽ trở thành tài liệu để tham khảo, để kiểm chứng những gì thuộc về trang phục dân tộc còn lại giữa một thế kỷ công nghiệp hóa, công nghệ hóa. Đó cũng là điều tôi mong góp công sức nhỏ bé của mình vào hành trình bảo tồn văn hóa".
Các bộ trang phục trong cuốn sách của Bông Mai được vẽ, thiết kế lại bởi nhóm bạn trẻ gen Z, cuốn sách đưa người đọc vào một không gian đầy màu sắc của những bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Mông, Kháng, Dao, Tày, Nùng, Thái… Mỗi trang phục mang những nét đặc trưng riêng biệt, được người dân gìn giữ qua hoa văn, kỹ thuật dệt, thêu, nhuộm vải, in, đính cườm... "Tôi mong thông qua cuốn sách này, mọi người sẽ có thêm cảm hứng trong quá trình sáng tạo" – cô khẳng định.
Bông Mai cũng dành lời tri ân tới cha – nhạc sĩ An Thuyên: "Cha tôi là người sưu tầm, nghiên cứu văn hóa từ khi còn rất trẻ, khi ông còn làm việc tại Nghệ An. Trong hành trình này, tôi gặp ba An Thuyên trong câu chuyện của mình, cũng như gặp mình trong câu chuyện của ba". Cô cùng mẹ trình bày ca khúc "Em chọn lối này", tác phẩm do cố nhạc sĩ An Thuyên sáng tác, thể hiện cảm xúc của bản thân trong những tháng ngày rong ruổi tới các địa phương để sưu tầm những nét đẹp văn hóa Việt.
Bông Mai sinh năm 1977, là cựu thành viên nhóm nhạc Con gái nổi tiếng những năm 1990. Chị có 12 năm làm việc và sản xuất tại VTV3, 3 năm làm quản lý Trung tâm sản xuất nội dung Giáo dục và Giải trí VTVcab.