Bộ Nội vụ vừa có tờ trình, hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gửi Chính phủ. Dự án này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, diễn ra vào cuối tháng 2.
Trong đó, Bộ Nội vụ nhấn mạnh quan điểm, việc ban hành luật nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với "cuộc cách mạng" tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.
Trong lần sửa đổi này, mô hình chính quyền địa phương được thiết kế theo hướng "kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian", đồng thời phát huy những kết quả tích cực của chính quyền đô thị thời gian qua.
Trên cơ sở đó, với chính quyền đô thị, tại thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thị trấn sẽ tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND.
Trong khi đó, tại quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND.
Đối với UBND tại nơi không tổ chức HĐND sẽ là cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
Với chính quyền nông thôn, tại tỉnh, huyện, xã, thị trấn (trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương) tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Đối với các huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trừ trường hợp đối với các huyện đảo có quy mô lớn, có yếu tố đặc thù về quốc phòng an ninh thì việc tổ chức đơn vị hành chính cấp xã do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
"Việc tổ chức chính quyền địa phương đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính đó", tờ trình nêu rõ.
Để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, dự thảo luật quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các ban của HĐND các cấp. HĐND quyết định thành lập các ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đối với UBND, dự thảo phân biệt cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và hoạt động của UBND tại nơi có tổ chức HĐND và UBND tại nơi không tổ chức HĐND.
Qua đó, UBND tại nơi có tổ chức HĐND sẽ cơ cấu tổ chức có các chức danh chủ tịch, các phó chủ tịch và một số ủy viên UBND.
Chính phủ quy định khung số lượng phó chủ tịch, ủy viên UBND; khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và giao thẩm quyền cho HĐND các cấp quyết định số lượng cấp phó, số lượng, cơ cấu thành viên UBND…
Đối với UBND tại nơi không tổ chức HĐND, dự thảo quy định theo hướng, cơ cấu tổ chức gồm chủ tịch, các phó chủ tịch (không có chức danh ủy viên). UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng; chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND theo quy định pháp luật.
Trong thời gian khuyết chủ tịch UBND và chưa giao quyền chủ tịch UBND thì UBND thảo luận tập thể, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ phân công một phó chủ tịch UBND phụ trách, điều hành hoạt động.
Tại tờ trình, Bộ Nội vụ cũng xin ý kiến Chính phủ về một số vấn đề trọng tâm. Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết, đối với chính quyền đô thị là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của các cơ quan.
Do vậy, Bộ Nội vụ đề xuất mở rộng áp dụng mô hình chính quyền đô thị như của TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng chung cho các thành phố trực thuộc trung ương khác (trừ thành phố Hà Nội thực hiện theo Luật Thủ đô).
Theo hướng này, tại các quận, phường thuộc quận, đơn vị hành chính cấp xã của thành phố thuộc thành phố sẽ không tổ chức HĐND mà tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương (chính quyền 1 cấp).
Phương án khác được Bộ Nội vụ đề xuất là mở rộng áp dụng mô hình chính quyền đô thị đối với các thành phố thuộc tỉnh. Theo đó, tại thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với thành phố thuộc thành phố và thị xã thuộc tỉnh, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ, gồm HĐND và UBND để đảm bảo phù hợp với đặc thù của các đô thị này.