Kể từ tháng 6/2024, 23 phường thuộc 5 quận của TP Hà Nội bắt đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, bắt đầu từ tháng 6/2024, Urenco sẽ phối hợp triển khai thí điểm tại 23 phường thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố do đơn vị phụ trách (gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm).
Sau hơn 6 tháng thí điểm, các hoạt động nâng cao nhận thức được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc đẩy mạnh truyền thông về phân loại rác tại nguồn và thu gom rác. Ghi nhận tại các điểm tập kết, phân loại rác, thời gian mở cửa tiếp nhận rác từ 16h30 thứ Sáu đến 16h30 thứ Bảy hàng tuần. Tuy nhiên, trong những giờ không thuộc thời gian thu gom rác vẫn được tập kết ngoài khu vực quy định.
Chỉ trong một thời gian ngắn, phóng viên Dân Việt ghi nhận có nhiều trường hợp vứt rác bừa bãi không đúng giờ quy định và không đúng chỗ. Trên một con phố ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), phóng viên bắt gặp một người phụ nữ vẫn ngồi trên xe máy rồi tiện tay vứt cả túi rác lớn dưới một gốc cây. Trước đó, dưới gốc cây cũng đã có nhiều túi rác được người dân vứt sẵn.
“Mình cũng muốn chấp hành lắm, nhưng công việc của mình bận rộn đến tận cuối tuần. Nên tranh thủ lúc nào có thời gian thì đổ rác, đằng nào một lúc sau cũng có công nhân môi trường đến dọn. Việc vứt rác theo giờ chỉ có một số gia đình làm việc ở nhà hoặc có người thân thường xuyên ở nhà chắc mới làm được việc đó”, người này nói rồi vít ga bỏ đi.
Không chỉ có người này, rất nhiều người khác vẫn vô tư vứt rác một cách bừa bãi, không đúng nơi quy định, chưa kể đến việc không phân loại rác thải tại nhà.
Chị Cẩm Trang hiện đang sinh sống tại một khu chung cư ở Hà Nội cho biết, bản thân chị vốn có thói quen phân loại rác tại nhà thành hữu cơ và vô cơ. Khi rác được mang đến nhà chứa rác thì lại cho chung vào một thùng đựng.
"Việc đơn vị thu gom rác gộp hết vào một thùng khiến chủ trương phân loại rác tại nguồn của gia đình tôi trở nên vô nghĩa. Do vậy để thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ môi trường thì cần phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu của xử lý rác thải mới đem lại hiệu quả", chị Trang nói.
Thực trạng này cho thấy nỗ lực phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả do khâu thu gom còn nhiều bất cập. Cần có sự đồng bộ hơn giữa ý thức người dân và quy trình thu gom, xử lý rác thải để việc phân loại rác thực sự có ý nghĩa.
Trên nhiều điểm tập kết rác thải, không khó để mọi người có thể nhìn thấy đầy đủ các loại rác thải được vứt chung. Từ bộ bàn ghế sô pha cũ nát, bộ bàn ăn hỏng hóc, rồi đến cả ban thờ thần tài... cũng được vứt bừa bãi không đúng quy định.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ lượng chất thải rắn sinh hoạt, ước tính trên 60.000 tấn mỗi ngày, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và xuất hiện các điểm "nóng" về ô nhiễm.
Do đó, chủ trương phân loại chất thải tại nguồn là rất đúng đắn, bởi việc chôn lấp rác thải thông thường không chỉ tốn diện tích đất, chi phí vận hành mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Có thể thấy việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Bởi lẽ, phân loại rác giúp không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, mà còn tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.
Tuy nhiên, ngoài trách nhiệm của người dân trong phân loại rác, theo các chuyên gia , trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác cũng cần quan tâm.
Thời gian thí điểm phân loại rác thải tại nguồn giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025.
Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án "Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn", trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, chậm nhất đến 31/12/2024, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt là bắt buộc; hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác hoặc không sử dụng đúng bao bì sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 - 250 triệu đồng.