Dân Việt

Căn cứ pháp lý trong vụ trả lại 97 miếng vàng, 133 sổ tiết kiệm cho cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ

Quang Trung 15/01/2025 06:27 GMT+7
Theo luật sư, 133 sổ tiết kiệm và 97 miếng vàng thu giữ trong quá trình điều tra không liên quan đến sai phạm của ông Lê Đức Thọ tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ kháng cáo

TAND TP.HCM vừa chuyển hồ sơ vụ án liên quan đến các tội danh "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil cùng các tổ chức liên quan, lên TAND Cấp cao tại TP.HCM để xét xử phúc thẩm.

Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil), ông Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) cùng 5 bị cáo khác đã gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, một cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng nộp đơn kháng cáo.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về các tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Đưa hối lộ".

Ông Lê Đức Thọ bị tuyên phạt 28 năm tù về các tội: "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 1 năm 6 tháng tù treo đến 7 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, ngoài mức án đã tuyên, TAND TP.HCM buộc ông Lê Đức Thọ nộp lại 1,47 triệu USD, 300 triệu đồng, đồng thời tạm giữ hơn 440.000 USD, 25,6 tỷ đồng và một sổ tiết kiệm để đảm bảo thi hành án.

Căn cứ pháp lý trong vụ trả lại 97 miếng vàng, 133 sổ tiết kiệm cho cựu Bí thư Bến tre Lê Đức Thọ- Ảnh 1.

Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: Xuân Huy.

Tuy nhiên, ông được trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm do không liên quan đến vụ án. Tòa cũng tuyên tịch thu và nộp ngân sách Nhà nước một ô tô Mercedes Benz S450 trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng và 5 chiếc đồng hồ Patek Philippe.

Trong đó có một chiếc trị giá 421.000 USD (gần 10 tỷ đồng), là những tài sản mà ông Thọ được bà Hạnh tặng khi còn đương chức.

Cơ quan chức năng trả lại tài sản cho  Lê Đức Thọ là có căn cứ

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, số tài sản thu giữ của bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và những người khác được xác định là vật chứng của vụ án.

Việc xử lý vật chứng của vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 7 Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP.

Cụ thể, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Về xử lý vật chứng, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy.

Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước. Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Theo luật sư Thơ, khoản 1, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.

Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, có thể được bán theo quy định của pháp luật. Trường hợp không bán được sẽ tiêu hủy…

Như vậy, theo quy định trên, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước…

Từ phân tích trên, vị luật sư cho biết, sau quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm của bị can Lê Đức Thọ không liên quan đến vụ án, không phải tài sản do phạm tội mà có thì cơ quan chức năng trả lại là đúng quy định pháp luật. Còn các tài sản khác, nếu được xác định là do phạm tội mà có, sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.