Dân Việt

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết

Gia Khiêm 16/01/2025 08:00 GMT+7
Mong muốn mời tổ tiên về đón Tết, nhiều người Hà Nội đã vượt quãng đường hàng trăm km lên Hoà Bình tảo mộ, tưởng nhớ những người đã khuất.

Người dân đội rét đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết

Một ngày cuối năm, khi Tết Ất Tỵ 2025 cận kề, ngoài trời lạnh buốt, bà Hà Thị Chiến (71 tuổi, ở phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội cùng con cháu không quản ngại, vượt quãng đường gần 100km lên Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (TP Hoà Bình) tảo mộ, tưởng nhớ những người đã khuất. Đây cũng là dịp gia đình bà mời gia tiên về đón Tết cùng con cháu, phù hộ cho gia đình sức khoẻ, làm ăn may mắn trong năm mới.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Chiến cùng con cháu không quản ngại, vượt quãng đường gần 100km lên Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (TP Hoà Bình) tảo mộ, tưởng nhớ những người đã khuất. Ảnh: Gia Khiêm

Để có mặt tại nghĩa trang từ sáng sớm, từ tối hôm trước bà Chiến đã chuẩn bị phần lễ gồm: Hoa quả, tiền vàng, bánh kẹo…

"Mỗi năm, gia đình tôi sẽ lên phần mộ người thân ít nhất 4 lần vào ngày Thanh minh, Tết và các ngày giỗ. Năm nay, các con cháu ở Hà Tĩnh vượt đường xa ra Hà Nội nên khi đủ đầy hơn chúng tôi sắp xếp thời gian, công việc để lên viếng mộ mời người đã khuất về đón Tết sớm", bà Chiến chia sẻ.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 2.

Con cháu bà Chiến sau khi dọn dẹp, thắp hương cho người thân đã khuất. Ảnh: Gia Khiêm

Theo cùng bà Chiến có con, cháu. Bà mong rằng việc này sẽ thành nếp sống để sau này khi mình khuất núi, con cháu sẽ nối tiếp việc mà bà đã từng làm. Cuối năm, nhớ đến tổ tiên, ông bà. Tục mời tổ tiên về đón Tết là nếp sống của mỗi gia đình Việt.

Cách mộ phần nhà bà Chiến không xa, 6 người trong gia đình chị Hạnh (48 tuổi, ở Kim Mã, Hà Nội), rủ nhau lên mộ của bố mẹ lau chùi, dọn dẹp, trồng thêm cây cảnh, mời các cụ về ăn Tết sớm. Các thành viên trong gia đình, người tay xách đồ lễ, vài người cháu bê theo chậu quất chuẩn bị từ trước để trang trí cho phần mộ của ông bà.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 3.

Người dân chuẩn bị hoa tươi dâng lên các mộ phần. Ảnh: Gia Khiêm

"Hôm sau là giỗ của bố tôi, chúng tôi tranh thủ ngày nghỉ lên mời hai cụ về ăn cỗ, tiện ăn Tết sớm cùng con cháu. Sinh thời, bố mẹ tôi rất thích ăn bánh đậu xanh nên mỗi lần lên thắp hương tôi đều mua loại bánh này cùng một số loại quả ông bà thích", chị Hạnh nói và cho hay, cận Tết, để "ngôi nhà" nơi cha mẹ yên nghỉ có thêm sinh khí, chị mua hai chậu quất, hoa hồng "làm đẹp" cho mộ phần.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 4.

Tảo mộ cuối năm là nét đẹp của mỗi gia đình Việt. Ảnh: Gia Khiêm

"Gia đình tôi luôn cố gắng giữ phong tục thăm, dọn mộ, cuối năm dù công việc bận rộn. Không đi hết được cả nhà thì sẽ có 4,5 người đại diện. Cuối năm đến đây dâng hương nhớ về cha mẹ khiến chị em chúng tôi ai nấy đều xúc động, nghẹn ngào", chị Hạnh bày tỏ.

Cẩn thận lau chùi bia mộ đã bám bụi, sắp đồ lễ, cả nhà dâng hương, báo cáo với bố mẹ về một năm vừa qua làm được gì, chưa làm được gì. Hi vọng năm tới, cả gia đình sẽ luôn được mạnh khỏe, mọi việc thuận buồm xuôi gió.

Tảo mộ không chỉ là truyền thống mà còn là dịp gia đình, con cháu thêm gắn kết

Tại một góc khác của nghĩa trang, chị Phạm Thu Hiền (57 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) tất bật dọn dẹp mộ phần của người bố đã khuất. Chị Hiền dậy từ 6h sáng, sắp đồ lễ chuẩn bị từ hôm trước ra, kiểm tra một lượt rồi cùng chồng bắt xe đi nghĩa trang để dâng hương cho bố. Cuối năm bận rộn, tranh thủ cuối tuần hai vợ chồng chị đi sớm, sợ những ngày sắp tới công việc bận rộn không thể lên "đón" ông bà về.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 5.

Năm nào, gia đình chị Hiền cũng chuẩn bị cành hoa đào dâng lên mộ bố ngày cuối năm. Ảnh: Gia Khiêm

"Dọn mộ cuối năm là việc không thể thiếu. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là dịp để gia đình, con cháu chúng tôi thêm gắn kết, nhắc nhở con cháu về cội nguồn và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Thời tiết hôm nay lạnh, nhưng gia đình vẫn cố gắng lên mộ đón các cụ về sớm", chị Hiền nói.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 6.

Mọi người cùng nhau hoá vàng, trẻ nhỏ theo chân người thân mời tổ tiên về đón Tết. Ảnh: Gia Khiêm

Kế bên phần mộ nhà chị Hiền, chị Thúy Phi (57 tuổi) cùng con trai và cháu nội đang hóa tiền vàng cho người chồng đã khuất.

Dù ở quận Tây Hồ, Hà Nội, nhưng để chuẩn bị cho lễ tạ mộ diễn ra lúc 9h, gia đình bà Nhung (70 tuổi) đã thức dậy, chuẩn bị đồ lễ, từ 5h. Nhờ con cháu khỏe mạnh bê đồ ra xe, bà Nhung tỉ mỉ kiểm tra lại 2 cây mẫu đơn mất cả ngày hôm qua đi tìm mua đem lên mộ bố mẹ.

Vượt hàng trăm km, người Hà Nội mang đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về ăn Tết sớm - Ảnh 7.

Bà Nhung sửa soạn mâm đồ lễ. Ảnh: Gia Khiêm

"Các cụ nhà tôi rất thích hoa mẫu đơn, năm nào tôi cũng mua vài cây mới để trồng ở phần mộ", bà Nhung nói. Dù lớn tuổi, bà cụ vẫn luôn muốn tận tay chăm lo phần mộ của bố mẹ mới có thể yên tâm.

Bà Nhung cho hay, ngày thường mỗi lần viếng mộ các cụ, gia đình bà đi cả vài chục người, nhưng cuối năm bận rộn, nên chỉ đại diện 5-7 người. Đến phần mộ, con cháu người trồng hoa, người lau chùi, bà Nhung sức yếu, phụ trách sắp lễ. Xong xuôi, cụ bà thắp hương, đọc to tên con cháu có mặt, mời ông bà về ăn Tết.

Tảo mộ dịp cuối năm từ lâu trở thành một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Phong tục này không chỉ thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên mà còn là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau ôn lại truyền thống và nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".

Trao đổi với PV Dân Việt, đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tảo mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu. Hàng năm khi Tết đến xuân về các gia đình về nơi mộ phần dòng tộc của mình ở quê hoặc ở nơi nào đó có người thân đã được an táng để thực hiện việc này.

"Tại đây con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại sau thời gian dài không lên thăm. Tục tảo mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay các nơi an táng sau thời gian dài đi làm ăn hoặc không về được.

Nhân dịp đó mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tảo mộ. Nghi thức đó để mời tổ tiên ông bà, những người đã khuất về với con cháu vui xuân đón Tết, đó là ý nghĩa của ngày đi tảo mộ mà người dân Việt đã có phong tục này rất lâu", đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.