Dân Việt

Uông Trực - Kẻ đứng đầu Tây Xưởng: Tàn ác, tắm máu quan lại nhà Minh

PV 15/01/2025 18:32 GMT+7
Tây xưởng chỉ là một cơ quan tạm thời, do thái giám Uông Trực thành lập vào năm 1477, dưới sự khuyến khích của Minh Hiến Tông, nhiệm vụ gần giống như Tây xưởng, đều theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, đã làm nên vô số án oan. Năm 1477 Uông Trực bị giáng chức, Tây xưởng cũng bị bãi bỏ theo.

Uông Trực - Kẻ đứng đầu Tây Xưởng: Tàn ác, tắm máu quan lại nhà Minh

Thái giám trong triều Minh có quyền lực lớn nhất. Vì thế, các nhà sử học gọi triều Minh là "Đế quốc thái giám lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc". Tổng số thái giám trong cung triều Minh lên đến 100.000 người. Đây là con số khổng lồ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trung Quốc. Tại sao triều Minh lại cần nhiều hoạn quan đến vậy? Cơ cấu tổ chức của triều đình sẽ như thế nào để dung nạp được hết số lượng hoạn quan này?

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu cơ cấu tổ chức thái giám của triều Minh. Triều đình lập ra Thập nhị giám, Tứ ty, Bát cục, gọi chung là Nhị thập tứ nha môn. Mỗi nha môn đều có một thái giám giữ ấn tín phục dịch hoàng đế cùng gia thuộc. Đến giữa thời nhà Minh, quyền thế của thái giám được mở rộng thêm ra. Thái giám có quyền làm sứ giả, trông coi quân đội, coi xét quan lại, dân tình... nên trở thành lộng quyền.

Uông Trực - Kẻ đứng đầu Tây Xưởng: Tàn ác, tắm máu quan lại nhà Minh - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Về hình thức, cơ quan tư pháp của triều Minh vẫn bao gồm Bộ Hình, Đốc Sát viện và Đại Lý tự, thường gọi là Tam pháp ty. Mỗi ty có chức năng riêng, kiềm chế lẫn nhau. Tuy nhiên trên thực tế, quyền tư pháp lai do hoạn quan chiếm đoạt. Vậy làm cách nào mà tập đoàn hoạn quan lại có được đặc quyền này?

Trên thực tở, ngay từ những năm đầu khi mới thiết lập vương triều, Minh Thái Tổ đã thiết lập Ty Lễ giám. Lúc ấy, vị trí của Nhị thập tứ nha môn hoàn toàn không cao. Nhưng đến thời Tuyên Đức, thái giám thủ lĩnh của Ty Lễ giám có thêm quyền "phê hồng". Sở dĩ gọi là "phê hồng" vì nội các đại học sĩ được quyền thay hoàng đế đưa ra ý kiến phê đáp tấu chương, truyền đạt thánh chỉ. Sau đó, hoàng đế căn cứ vào ý kiến của nội các đại học sĩ rồi dùng bút son đưa ra quyết định cuối cùng. Với quyền "phê hồng" này, uy quyền của thái giám ngày càng lớn.

Từ đó, cơ cấu thái giám ngày càng mở rộng và hoàn bị hơn. Quan thái giám có quyền lực nhất trong Ty Lễ giám là Chưởng ấn thái giám (chỉ có duy nhất một người). Nhưng có đến mấy thái giám giữ chức Bỉnh bút thái giám. Thái giám Bỉnh bút của triều Minh cũng có quyền hành cực lớn, bọn họ chính là người thay cho hoàng đế viết tấu sớ. Đại thần có tấu chương lên nêu kiến nghị hay thông báo tình hình, trước tiên do nội các thay hoàng đế nêu ý kiến, sau đó do thái giám Bỉnh bút dựa trên ý của Hoàng đế mà tiến hành phê duyệt. Tuy nhiên, việc phê duyệt này có phải là do ý của hoàng đế hay do ý của thái giám thì chẳng ai biết. Vì thế đến cuối triều Minh, nhiều người bị oan uổng dưới tay của tập đoàn thái giám này.

Trong "Minh sử, hình pháp chí" có nói: "Đông Tây xưởng, Cẩm y vệ, Trấn phủ ty là những cỗ máy giết người dã man, không cần pháp luật".

Sở dĩ có tên gọi Đông xưởng là vì đây là xưởng ở phía Đông, được Minh Thành Tổ thành lập vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) để bí mật giám sát các quan lại trong triều đình, các tướng lĩnh trong quân đội, các quan viên bên ngoài, các học giả có tiếng trong xã hội. Đông xưởng do một hoạn quan đứng đầu với chức danh đầy đủ là Khâm sai tổng đốc Đông xưởng quan giáo biện sự thái giám (thường gọi tắt là Đề đốc Đông xưởng hay Xưởng công, Đốc chủ).

Cẩm Y vệ được Minh Thái Tổ thành lập vào năm 1382. Ban đầu chỉ có hơn 5000 người. Đến thời Gia Tĩnh đã tăng lên đến hơn 60.000 người. Đối với một lực lượng Cẩm y vệ hùng hậu như vậy, đương nhiên làm hoàng đế không yên tâm. Vì vậy đã cho lập thêm Đông xưởng nhưng không ngờ về sau, tập đoàn thái giám đã khống chế quyền lực của Cẩm y vệ và biến những quan cao cấp trong Cẩm y vệ thành tay chân của thái giám.

Tây xưởng chỉ là một cơ quan tạm thời, do thái giám Uông Trực thành lập vào năm 1477, dưới sự khuyến khích của Minh Hiến Tông.

Theo Sohu, Tây xưởng không những kiêm nhiệm chức năng của Đông xưởng mà còn có pháp đình (nơi xét xử) và lao ngục riêng. Lợi dụng sự tín nhiệm của hoàng đế, Uông Trực không ngừng mở rộng vây cánh. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi thành lập, số lượng hoạn quan làm việc trong Tây xưởng đã lên tới hơn ngàn người.

Tây xưởng có quyền lực rất lớn, lấn át cả Đông xưởng. Thời gian Uông Trực giữ chức Đề đốc Tây xưởng, Đông xưởng đã mất quyền quản lý và giám sát lực lượng Cẩm Y vệ.

Minh sử chép, Tây xưởng được Minh Hiến Tông đặc cách, có toàn quyền quyết định điều tra, xét xử và định tội cho bất kỳ nghi phạm nào, dù là văn võ đại thần, quan lại địa phương hay dân thường mà không cần thông qua hoàng đế. Chỉ riêng tầng lớp quý tộc là Tây xưởng không được đụng tới.

Theo Sohu, nếu cùng giải quyết một vụ án, người của Đông xưởng gặp Tây xưởng chỉ có thể "nhường bước".

Minh sử chép, Minh Hiến Tông rất sủng ái Vạn Quý phi (tên thật là Vạn Trinh Nhi) dù Vạn Quý phi hơn ông cả chục tuổi.

Để chiều lòng người đẹp, Minh Hiến Tông vung tiền xây dựng chùa lớn, đạo quán cho Vạn Quý phi bái Phật luyện đan. Trong cung vua có hơn vạn phi tần, hoạn quan hơn 3.000 người. Minh Hiến Tông ngày ngày ăn chơi hưởng lạc. Mọi việc giao cho Uông Trực xử lý.

Nắm quyền lực "dưới một người trên vạn người", Uông Trực phạm sai lầm là không biết điểm dừng, theo Sohu.

Vì nóng lòng lập công, thanh trừng những người chống đối, Uông Trực chỉ đạo Tây xưởng lập nhiều án oan, tra tấn, giết người vô tội vạ. Hành động của ông ta khiến nhiều người chướng tai gai mắt.

Minh sử chép, tháng 5/1477, quan Đại học sĩ Thương Lộ cùng một nhóm đại thần dâng tấu hạch tội Uông Trực "lộng quyền, khiến lòng người kinh hãi". Minh Hiến Tông tạm thời bãi bỏ Tây xưởng nhưng vẫn tin dùng Uông Trực.

Uông Trực sau đó dùng kế vu cáo, hãm hại khiến Thương Lộ phải từ quan về quê. Tây xưởng lại được khôi phục.

Năm 1479, quan Binh bộ thị lang Hạng Trung vì chống đối Uông Trực nên bị cách chức, đuổi về quê. Sau vụ này có hàng chục viên quan xin Minh Hiến Tông trị tội Uông Trực. Vua Minh lúc này không thể không nghi ngờ.

Để thăm dò Uông Trực, Minh Hiến Tông phái ông ta ra khỏi kinh thành, thị sát vùng biên giới. Không biết bản thân đang bị theo dõi, Uông Trực ra sức nhận hối lộ, hà hiếp quan lại, dân chúng trên đường đi thị sát.

Năm 1481, Uông Trực xin về kinh, Minh Hiến Tông thẳng thừng từ chối và điều ông ta đến Nam Kinh làm thái giám coi ngựa. Uông Trực sau đó bị cách chức, Tây xưởng cũng bị bãi bỏ.

Năm 1506, Minh Vũ Tông (hoàng đến thứ 11 của nhà Minh) tái lập Tây xưởng, nhưng không lâu sau cũng phải bãi bỏ.