Theo sách "Đại Việt thông sử", sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt, tất cả các quan văn võ của Nam triều đều bàn rằng, nếu chiếu điều luật thì những kẻ phạm tội thoán ngôi phải xử theo luật "lăng trì" để làm gương cho mọi người và có như vậy mới đúng theo phép nước. Đồng thời phải đem thủ cấp tế cáo nhà Tôn miếu để rửa sỉ nhục của tiên vương và bớt cơn giận của thần dân. Tuy nhiên, Trịnh Tùng thấy Mạc Mậu Hợp về hàng, nên không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mạc Mậu Hợp 3 ngày.
Sau khi treo Mạc Mậu Hợp 3 ngày, Trịnh Tùng ra lệnh cho quân lính chém đầu Mạc Mậu Hợp ở bãi cát Bồ Đề, rồi đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông ở Vạn Lại - Thanh Hoa. Nhà vua ra lệnh đem đóng đinh vào hai con mắt Mạc Mậu Hợp rồi bêu ra ngoài chợ.
Mạc Mậu Hợp chết, người con trai là Mạc Toàn xưng hiệu là Vũ An vẫn tìm cách chống lại quân Nam triều. Tuy nhiên, do lòng dân không thuận, các tướng sĩ cũng chẳng còn ai nên phải sống trong cảnh thân cô thế cô, một mình tìm cách lẩn trốn. Nhưng không lâu sau thì Mạc Toàn cũng bị quân Nam triều bắt được, đem chém đầu tại bến Thảo Tân.
Vậy là, Mạc Mậu Hợp ở ngôi vua được 28 năm, hưởng dương 30 tuổi. Vì sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết chết, nhà Mạc cũng mất nên không được đặt miếu hiệu và thụy hiệu. Các nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cũng như hậu thế đều có chung nhận định rằng sự thất thế của Mạc Mậu Hợp trước hết bắt đầu từ lối sống xa hoa mà chính ông ta đã tự lựa chọn trước cho mình.
Không những hoang dâm vô độ, lại thêm một sai lầm chết người rất căn bản nữa là Mạc Mậu Hợp đã kiêu ngạo, không chịu nghe lời bàn về việc quân cũng như việc triều chính của các bậc lương thần. Bản thân việc dùng Mạc Đôn Nhượng làm quan phụ chính cũng là một sai lầm lớn của Mạc Mậu Hợp, bởi Mạc Đôn Nhượng vốn là người thiếu bản lĩnh, nhu nhược.
Như vậy là họ Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp, truyền ngôi được 5 đời thì mất, tổng cộng được 66 năm. Sau khi Mạc Mậu Hợp mất, con cháu nhà Mạc rút lên Cao Bằng. Theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, họ Mạc còn kéo dài được đến 96 năm nữa mới bị mất hẳn. Về sau, con cháu nhà Mạc không xưng đế mà chỉ trấn thủ ở vùng núi phía Bắc trong vòng hơn 80 năm nữa ở vùng đất này. Sử nhà Lê chép rằng, tháng 7-1594, Đà quốc công nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn trước khi qua đời để lại thư khuyên Mạc Kính Cung rằng: Nay, khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là bởi số trời đã định như vậy.
Mặc dù sống xa xỉ, dẫn đến sự suy vong của nhà Mạc, nhưng trong thời gian làm vua, Mạc Mậu Hợp cũng đã làm được một số điều đáng ghi nhận, trong đó có việc mở các khoa thi để chọn nhân tài. Nối theo nền nếp của cha ông, Mạc Mậu Hợp mở tất cả 7 khoa thi. Ngay cả khi chiến sự ác liệt ở kinh thành vào mùa hè năm 1592, Mạc Mậu Hợp vẫn mở khoa thi cử nhân ở bến Bồ Đề, lấy Phạm Hữu Năng và 16 người trúng tuyển. Đây cũng là một trong những điều tốt đáng được ghi nhận của vị vua này.
Lời bàn về Mạc Mậu Hợp
Ở ngôi thiên tử, hưởng cuộc sống vương giả thì chết cũng phải đế vương. Thế nhưng, một số vua chúa Việt Nam đã không những phải chịu cái chết thảm khốc, mà còn để lại không ít những lời đàm tiếu cho hậu thế. Và Mạc Mậu Hợp, ông vua thứ 5 của nhà Mạc là một minh chứng. Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, vua Mạc Mậu Hợp mặc dù bị sét đánh nhưng không chết, song lại bị Trịnh Tùng sát hại cực thảm. Mặc dù thất thế, bản thân phải trốn vào chùa rồi cạo trọc đầu làm sư, ở ẩn trong chùa Mô Khuê, thuộc hạt Phượng Nhãn, nhưng vẫn bị lộ. Khi về hàng vua Lê - chúa Trịnh thì bị Trịnh Tùng sai đem treo sống 3 ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề. Chưa hết, đầu của vua Mạc Mậu Hợp còn bị đem đi đóng đinh vào hai con mắt, bêu ra ngoài chợ 5 ngày. Thế mới hay rằng, quyền lực và hận thù cá nhân dễ làm cho người ta trở thành tầm thường và thậm chí là mất nhân tính.
Và từ giai thoại trên, dẫu có lý giải theo cách nào đi chăng nữa thì vẫn không ai có thể phủ nhận được rằng, Trịnh Tùng đã trả thù Mạc Mậu Hợp một cách quá hèn mạt và nhỏ nhen đến mức ty tiện. Về hành động của chúa Trịnh Tùng, nhà Sử học Lê Khắc Thuần có một nhận xét thật chí lý rằng: Thắng trên chiến trường đã khó, mà thắng trong nhân luân lại càng khó hơn... Việc đem đầu Mạc Mậu Hợp về Vạn Lại để dâng vua của Trịnh Tùng thì ít, mà chủ ý dọa vua Lê của Trịnh Tùng thì nhiều. Mạnh như nhà Mạc mà còn bị diệt, huống chi là những thế lực nhỏ khác. Trong bàn tay thép của Trịnh Tùng, hãy biết thân biết phận hỡi vua Lê Thế Tông. Và chính những năm tháng loạn lạc ấy đã biến Trịnh Tùng thành kẻ gian hùng khuynh đảo triều chính nhà Hậu Lê.