Ông Nguyễn Văn Huây - Tổng giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết từ cao điểm 22 tháng Chạp, lượng hoa, trái cây, rau củ về chợ sẽ bắt đầu tăng mạnh, phục vụ nhu cầu của các chợ truyền thống, người dân toàn thành phố.
Theo đó, từ 22 tháng Chạp, dự kiến mỗi ngày sẽ có 1.750 tấn rau, trái cây 3.500 tấn. Giai đoạn từ 22 - 25 tháng Chạp, mỗi ngày lượng hàng về chợ trung bình khoảng 3.600 tấn, riêng 26 tháng Chạp tăng mạnh lên, sau đó sẽ giảm lại do sát Tết.
“Lượng hàng hóa Tết năm nay đủ cung ứng cho TP.HCM. Sức mua thời điểm này đã tốt dần lên. Dự kiến, từ 26 Tết, cán bộ công nhân viên, ngươi lao động được nghỉ, thời điểm này cũng là cao điểm nhất mua sắm nên sức mua có thể sẽ tăng thêm”, ông Huây nói.
Ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết tại chợ này, từ 25 tháng Chạp, các mặt hàng rau củ, trái cây về chợ sẽ tăng khoảng 50%, tương đương 3.500 tấn mỗi ngày.
Thịt heo là mặt hàng có sản lượng cung ứng ra thị trường dồi dào tại chợ đầu mối Hóc Môn. Dự kiến sức mua thịt heo tập trung nhiều nhất vào 26 - 27 tháng Chạp, nguồn heo về chợ tăng gấp đôi, từ 10.000 - 11.000 con.
Theo ông Phong, năm nay, giá heo hơi tăng cao hơn so với năm ngoái. Giá heo hơi tăng cao khiến heo mảng tăng theo. Trong những ngày cao điểm Tết, nếu lượng heo từ các lò giết mổ về chậm do kẹt xe, giá có thẻ nhảy vọt lên nữa.
“Để ứng phó, chúng tôi chuẩn bị các kho, xe đậu ở các vị trí quanh chợ để kịp thời bổ sung khi nguồn cung thiếu”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, dự báo cao điểm mua sắm Tết của người dân rơi vào khoảng từ 20 tháng Chạp và kết thúc vào 28 Tết. Trong đó, nhu cầu rau quả sẽ tăng đột biến từ 500 tấn/đêm như hiện nay lên 1.200 tấn. Dự kiến, thịt heo tại chợ Bình Điền cung cấp mỗi đêm từ 300 - 450 tấn, tùy theo nhu cầu những ngày cao điểm, chợ vẫn sẽ đáp ứng được đầy đủ.
Ngoài các mặt hàng như hai chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức, khô và thủy hải sản là hai nhóm mặt hàng quan trọng tại chợ đầu mối Bình Điền và được nhiều khách yêu thích. Đặc biệt, nhu cầu mặt hàng khô dự kiến cũng sẽ tăng vọt trong những ngày giáp Tết.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25-43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả…
Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ…