Nồng nàn hương bưởi Bạch Đằng
Ngày trước, du khách phải đi từ trung tâm TP.Tân Uyên, qua khỏi cầu Bạch Đằng 1 để tới xã cù lao Bạch Đằng. Từ khi cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động, một hướng khác nối từ làng bưởi Tân Triều của huyện Vỉnh Cửu (Đồng Nai) đến với làng bưởi Bạch Đằng (TP.Tân Uyên, Bình Dương) chưa bao giờ gần đến thế.
Ông Nguyễn Hữu Tâm – Giám đốc HTX Bưởi Bạch Đằng tự hào kể, năm xưa, chính người ông của mình đã mang cây bưởi da láng từ xã Bạch Đằng, chèo đò sang sông, qua làng bưởi Tân Triều đổi lấy 2 cây bưởi đường lá cam, đem về nhân giống ở miệt cù lao bên này.
Đến nay, ông Tâm là thế hệ thứ 4 gắn với nghề trồng bưởi. Trong vườn nhà ông vẫn còn giữ được nhiều giống bưởi bản địa như bưởi đường lá cam, bưởi da láng, bưởi ổi, bưởi thanh, và cả bưởi da xanh. Bưởi Bạch Đằng là tên gọi dùng chung cho 5 loại bưởi đặc sản trên đất cù lao. Trong đó, bưởi đường lá cam được chọn trồng nhiều nhất.
Ông Nguyễn Hữu Tâm – Giám đốc HTX bưởi Bạch Đằng chăm sóc vườn bưởi đặc sản của gia đình. Ảnh: Nguyên Vỹ
Nằm dọc theo những con đường thảm nhựa, ngập tràn sắc hoa là những vườn bưởi trĩu cành mà nông dân xã cù lao bao đời gìn giữ. Ông Tâm cho biết, giống bưởi này chỉ nặng chừng 1kg mỗi trái. Quả bưởi có lớp vỏ bóng, mỏng và xanh. Lá bưởi nhỏ, thanh mảnh tựa như là cam chứ không to, bầu như lá của các giống bưởi khác.
Ruột bưởi có sắc vàng tươi, cơm mọng nước. Khi ăn, bưởi đường lá cam có vị ngọt thanh, hương đậm đà hơn những loại bưởi khác. "Cùng với kỹ thuật chăm sóc, các vườn bưởi cho trái quanh năm. Nhưng rộn ràng hơn cả vẫn là mùa bưởi tết"- ông Tâm nói.
Làng bưởi, chốn đi về cho những người xa xứ
Gia đình lão nông Dương Văn Minh có 3 đời gắn bó với nghề trồng bưởi. Từ khi còn nhỏ, vừa biết chạy lon ton là ông đã lên cây hái bưởi. Đến nay, mái tóc bạc màu, đôi tay chai sần của ông vẫn tự chăm sóc từng cây bưởi trong vườn. Một đời gắn bó với xã cù lao cũng là ngần ấy thời gian ông Dương hít thở cùng hương bưởi thơm nồng. Bưởi như một người bạn sớt chia bao nỗi buồn vui.
Sau một năm tất bật chuyện mưu sinh nơi đất khách, lòng người lại hồi hướng về cố hương – chốn để đi về. Nhất là khi cuộc sống hiện đại với không gian xung quanh chỉ toàn là bê tông, không khí ô nhiễm.
Ông Minh kể, điểm đặc biệt của làng bưởi Bạch Đằng nằm giữa tam giác phát triển công nghiệp là Bình Dương, Đồng Nai TP.HCM. Thế nhưng Bạch Đằng ít bị tác động bởi công nghiệp. Nơi đây không có nhà máy, không có ống khói, nước thải công nghiệp, giúp giải phóng con người khỏi sự tù túng.
Xã Bạch Đằng hiện đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn liền với xây dựng làng thông minh. Theo ông Minh, mọi người thường hình dung làng thông minh với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sự kết nối cung cầu, kết nối giữa nông thôn với thành thị, giữa nông dân với các khu công nghiệp, các vùng miền.
"Đó là chúng ta chỉ nghĩ làng thông minh ở mặt vật chất. Ngoài yếu tố nền tảng là ruộng đất, là kỹ thuật canh tác, làng quê còn có phần hồn. Hồn quê càng thể hiện rõ nét trong những ngày xuân"-ông Minh nói.
Cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động, nối liền 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; góp phần phá thế tách biệt của xã cù lao Bạch Đằng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Mỗi làng quê có mỗi cách đón tết khác nhau. Riêng ở xã Bạch Đằng là xứ trồng bưởi, mùa tết là mùa bưởi bán chạy nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm địa phương thường chọn để tổ chức lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng. Không khí chộn rộn làng bưởi là chất men kích thích để cả cư dân bản địa và du khách hòa cùng nhịp đập mùa tết.
Không còn gì lý tưởng hơn khi mình có một chốn để đi về. "Và nếu Bạch Đằng không phải là quê hương của bạn, Bạch Đằng cũng có thể giúp bạn gợi nhớ những ký ức về quê hương với không gian thoáng mát, người dân rộng mở, trải lòng"- ông Minh tâm sự.
Những nhịp cầu đưa hương bưởi bay xa
Thời trước, người miền Nam thường gọi dân Bình Dương là người miệt vườn, để chỉ lớp cư dân sống ở các vùng đất vườn cây trái ven sông. Theo TS Huỳnh Ngọc Đáng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương, miệt vườn trong lịch sử của Bình Dương là một vùng kinh tế - xã hội có nhiều đặc điểm khá riêng.
Văn minh miệt vườn Bình Dương có đặc điểm nổi bật là cả thương mại và đô thị đều gắn với sinh thái kinh tế miệt vườn. Văn minh đó không còn mang tính nông nghiệp của nông thôn lạc hậu; cũng không đặc sệt thành thị lạnh lùng, thực dụng.
Văn minh miệt vườn tạo nên những mẫu người tiêu biểu của nó. Mẫu người đó không mất gốc vườn rẫy, vẫn giữ đạo lý truyền thống nhưng đã thích nghi với nền nếp kinh doanh và văn minh phố thị.
Với họ, lối sống ở vườn hài hòa với chợ, kinh doanh gắn liền canh tác; sống chan hòa với người cùng vườn quê. "Họ vẫn gần gũi với làng quê vườn rẫy nhưng cũng không hề xa lạ, bỡ ngỡ với chợ phố, kinh doanh… Ta gọi chung đó là người miệt vườn Bình Dương"- TS Đáng chia sẻ.
Tháng 9/2024, cây cầu Bạch Đằng 2 chính thức thông xe, nối liền 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; phá thế tách biệt của xã cù lao. Cây cầu mới không chỉ phục vụ cho việc đi lại, kết nối giao thương mà còn tạo điều kiện cho người dân nông thôn giao lưu, học hỏi, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội.
Không khí thanh bình và trong lành vốn là đặc trưng của xã cù lao. Giao thông kết nối, nếp sống đô thị sẽ kéo nhanh về vùng nông thôn. Thế nhưng, ông Minh không quá lo lắng về điều đó. Những chiếc phà, bến đò không còn bắt kịp với xu thế hội nhập, buộc phải lùi lại phía sau; nhường bước cho những nhịp cầu khang trang, kiên cố, an toàn và tiện ích.
"Xã nông thôn mới cũng phải bắt nhịp với xu thế hiện đại, và người dân sẽ được lợi nhiều hơn. Hương bưởi Bạch Đằng, đặc sản đất cù lao càng có điều kiện bay xa hơn trong nỗ lực gìn giữ của người đất cù lao"-ông Minh tin tưởng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Viện Trưởng Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong cho biết, nhờ sự đồng lòng của người dân, sự khang trang, ngăn nắp có thể dễ dàng nhìn thấy từ đầu đến cuối làng bưởi. Đó là nỗ lực bền bĩ qua nhiều năm, tạo thành nếp sống văn minh giữa nông thôn.
Theo bà Phượng, mô hình làng thông minh ở mỗi nơi mỗi khác. Dưới miền Tây Nam Bộ, làng thông minh ồn ào, náo nhiệt hơn vì họ tập trung phát triển du lịch. Ngược lại, làng bưởi Bạch Đằng rất thanh bình, yên ả. Đó là nét đặc thù mà có lẽ Bạch Đằng muốn giữ lại cho riêng mình. Vì thông minh, đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải ồn ào. Người làng vẫn có thể ngồi một chỗ chốt đơn qua thương mại điện tử. "Và du khách gần xa vẫn muốn tìm về các vườn bưởi đặc sản, vừa tham quan, hái trái vừa tận hưởng hương vị tết quê cùng hạ tầng tiện ích ngay trong làng"- bà Phượng chia sẻ.