Dân Việt

Cha mẹ cần biết 12 dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần của trẻ học đường

Diệu Thu 01/12/2020 07:55 GMT+7
Khi phát hiện trẻ trong độ tuổi học đường có những dấu hiệu sau thì cha mẹ cần đưa con đi khám ngay kẻo hối hận.

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, nhiều trẻ có học hành sa sút, trốn học, cảm giác buồn bã, thu mình, đau đầu…nhưng nhiều bố mẹ chủ quan không nghĩ con mình đang mắc bệnh.

img

Trẻ bị rối loạn tâm thần nhập viện. (Ảnh minh họa)

Do đó, cha mẹ cần biết 12 dấu hiệu nhận biết rối loạn tâm thần của trẻ học đường.

- Thay đổi tâm trạng: như cảm giác buồn bã, thu mình hoặc thay đổi tâm trạng

- Thay đổi cảm xúc: sợ hãi bao trùm, tức giận bộc phát, lo lắng tột độ

- Thay đổi hành vi: hành vi mất kiểm soát, thường xuyên đánh nhau, sử dụng vũ khí

- Khó tập trung, học hành sa sút

- Những thay đổi trong kết quả học tập

- Trốn học

- Rút lui hoặc tránh các tương tác xã hội

- Tự gây thương tích, cố gắng tự tử

- Lạm dụng chất kích thích, sử dụng hoặc lạm dụng ma túy, rượu

- Thay đổi thói quen ăn uống

- Giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc thay đổi cảm giác thèm ăn

- Các triệu chứng thể chất như đau đầu thường xuyên hoặc đau bụng

TS Loan cho biết, ở môi trường học đường có nhiều yếu tố bảo vệ cũng như cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các các rối loạn cho trẻ.

Trong đó, đầu tiên phải kể đến yếu tố căng thẳng trong học tập. Điều này có thể gây ra bởi sự kỳ vọng của gia đình. Cha mẹ luôn muốn con học tốt, thành tích cao, học trường chuyên lớp chọn, sự kỳ vọng này tạo các em áp lực trong học tập. Nó cũng có thể xuất phát từ bản thân các em, đặt mục tiêu quá cao, luôn muốn là người đứng đầu lớp, vượt xa các bạn bè. Căng thẳng cũng có thể đến từ khối lượng bài vở khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.

Ngoài ra, sự thiếu hỗ trợ, cụ thể là sự động viên khích lệ của các thầy cô giáo, các hoạt động giải trí.

Môi trường học đường bất ổn, bạo lực học đường- đây là vấn đề đáng lo ngại là học sinh gây ra bạo lực học đường không chỉ em trai mà cả em gái. Bên cạnh đó còn phải kể đến mâu thuẫn bạn bè, xa bố mẹ.

Bên cạnh đó, trẻ gặp các mối quan hệ tình cảm, phải giấu cha mẹ- thầy cô, tình cảm đơn phương. Đây là yếu tố gây buồn rầu, trầm cảm, thậm chí có em có hành vi tự sát khi gặp đổ vỡ trong các mối quan hệ.

Đặc biệt là sự thay đổi tâm lý dậy thì ở giai đoạn học đường. Trẻ đang trải qua giai đoạn dậy thì, có nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi về tâm sinh lý, bắt đầu quan tâm hình ảnh cơ thể mình, có tính độc lập… Trẻ rất nhạy cảm, dễ chịu tác động của yếu tố bên ngoài. Vì chưa trưởng thành nên đôi khi các em giải quyết vấn rất manh động.

BS Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên cũng cảnh báo: Ở trẻ em, mất ngủ thường gặp ở trẻ vị thành niên, đặc biệt là trẻ gái và thường có liên quan đến yếu tố tâm lý.

Do đó, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mất ngủ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Nhiều trường hợp mất ngủ là biểu hiện của một số căn bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm…

Nếu trẻ bị mất ngủ kéo dài có thể gây ra các bệnh lý về tâm thần, đặc biệt là trầm cảm. Trẻ bị trầm cảm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng khiến trẻ mệt mỏi, buồn chán và bi quan. Điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều trẻ xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử vì không còn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống.

Ở giai đoạn đầu khi trẻ xuất hiện các triệu chứng, cha mẹ nên chia sẻ, động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng con điều chỉnh sinh hoạt để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ. Trẻ hoàn toàn có thể hồi phục khi được trị liệu tại nhà mà không cần phải nằm viện nếu phát hiện sớm.