Dân Việt

Khi nào bão số 7 đổ bộ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ?

Triệu Quang 13/10/2020 10:37 GMT+7
Bão số 7 được dự báo sẽ còn mạnh thêm, di chuyển nhanh trước khi đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

img

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 7. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Sáng nay (13/10), Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp ứng phó với bão số 7 – Nangka và tình hình mưa lũ ở miền Trung.

Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (13/10), bão số 7 đang cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Với tốc độ và khoảng cách hiện tại, đêm 13 rạng sáng 14/10, bão số 7 sẽ đi vào vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Đến khoảng trưa chiều ngày 14/10, bão số 7 đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Ở khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m.

Trên đất liền, từ ngày 14 đến ngày 16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.

Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính từ ngày 6/10 đến 6h sáng nay (13/10), mưa bão, ngập lụt đã khiến 28 người chết (22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ), 12 người mất tích (8 người do lũ cuốn; 4 thuyền viên trên biển).

Bão lũ cũng khiến hơn 132.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, ngập. 137 điểm Quốc lộ và 11.576m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng gây chia cắt giao thông. Bên cạnh đó, gần 5.000ha lúa và hoa màu bị ngập, vùi lấp; hơn 3.500ha thủy sản bị thiệt hại; hơn 156.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 244 điểm trường bị ngập.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho hay, hiện tại, toàn bộ miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Bão di chuyển rất nhanh, dự báo ngày mai (14/10) sẽ ảnh hưởng vào đất liền nước ta. Mưa lũ thì hiện đang diễn biến phức tạp, nhiều khu vực ngập sâu, xuất hiện sạt lở ở khu vực miền núi.

img

 Ông Vũ Xuân Thành – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.

Ông Thành đề nghị các bộ ngành, địa phương có liên quan tập trung đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, nơi neo đậu, theo dõi chặt chẽ tin bão và hướng dẫn để người dân di chuyển tàu thuyền vào nơi an toàn. Rà soát, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cảng vụ hướng dẫn để người dân neo đậu, tránh trú an toàn nhất là ở các cửa sông.

Quan tâm, chỉ đạo, đảm bảo an toàn trên các lồng bè, chòi canh vì nhiều nơi vẫn còn chủ quan, không chịu di dời vào nơi an toàn. Tiếp tục chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh. Di dời người dân ở những nơi xung yếu, nhà cửa yếu, thấp trũng.

Đề nghị các đơn vị đi rà soát các công trình thủy điện đang thi công, các công trình đang gặp sự cố. Các tỉnh Trung bộ tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khắc phục hỗ trợ thiệt hại, cứu hộ người dân vào nơi an toàn. Các bộ ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương nhanh chóng xuất kho hỗ trợ kịp thời cho người dân.