Dân Việt

Hiệu trưởng Đại học Y Thái Bình 30 năm “cõng” bạn

Diệu Thu 13/10/2020 11:02 GMT+7
Hiện tại, đôi bạn này đã làm hàng xóm của nhau, làm chỗ dựa cho nhau.

Thời gian qua, câu chuyện cảm động về đôi bạn thân cõng nhau đến lớp trong 10 năm ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đều đạt điểm số trên 28 điểm thi Đại học đã được cộng đồng xã hội chia sẻ và bày tỏ sự khâm phục ý chí, nghị lực và học tập của hai bạn trẻ Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh.

Tình bạn của hai cậu học trò Minh Hiếu - Tất Minh suốt 10 năm trời cõng nhau đi học, cuối cùng trở thành học sinh giỏi tỉnh và thi tốt nghiệp trên 28 điểm đã để lại cho câu chuyện về sự tử tế bởi một tình bạn đẹp.

img

Hình ảnh thầy Hiệu trưởng - PGS. TS. NGND Hoàng Năng Trọng trao quà gặp mặt cho tân sinh viên Ngô Văn Hiếu sáng ngày 8/10/2020 (Ảnh: Đỗ Trọng Khơi)

Ngô Minh Hiếu, chàng trai cõng bạn đến lớp trong 10 năm, đã đủ điểm vào Đại học Y Thái Bình. Trường sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường.

Tại ngôi trường mà Minh Hiếu nhập học cũng có một tình bạn đẹp. Đó là PGS.TS. Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng Đại học Y Thái Bình và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.

PGS.TS. Hoàng Năng Trọng chia sẻ, ông rất xúc xúc động trước tình bạn đẹp của Minh Hiếu và Tất Minh bởi ông cũng có một tình bạn đẹp, với một người không được may mắn như chúng ta đó là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (người có cùng hoàn cảnh như người bạn mà Minh Hiếu đã bền bỉ 10 năm cõng trên lưng).

Trên trang Facebook cá nhân, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - một người bạn của PGS.TS. Hoàng Năng Trọng - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình có chia sẻ như sau:

"Tin vui về trường hợp thí sinh 10 năm cõng bạn đi học.

Tên hồ sơ dự tuyển Đại học của em là Ngô Văn Hiếu, báo chí thường gọi là MINH HIẾU, vì lý do lấy tên người bạn liệt chân Nguyễn Tất Minh ghép với tên em thành ra tên gọi Ngô MINH - HIẾU.

Trường hợp tên gọi hai em khiến tôi không khỏi xúc động nghĩ về trường hợp của tình bạn giữa tôi Đỗ Xuân Khơi với thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình - Hoàng Năng Trọng. Cũng vì cảm tình bạn mà tôi đã đổi tên bút danh thành ra tên gọi như mọi người biết đến hôm nay, là Đỗ TRỌNG – KHƠI”..

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi kể lại: Cách đây tròn 30 năm (1986), PGS.TS.Hoàng Năng Trọng đi cùng đoàn y tế của Trường Đại học Y Thái Bình về quê ông làm chương trình vận động sinh đẻ có kế hoạch. Sau khi hoàn thành công việc, Trọng cùng một người bạn đến thăm Khơi. Lý do là bởi dăm cái truyện ngắn, mươi bài thơ chép trong một cuốn sổ tay mà Trọng tình cờ đọc được ở đâu đó. Những tác phẩm đầu tay còn nhiều non nớt nhưng với tâm hồn nhạy cảm cùng bản năng phát hiện của một nhà giáo tương lai, Hoàng Năng Trọng đã nhận ra được tố chất trên con đường văn nghiệp của Khơi nên đã giúp đỡ ông.

Ngày đó, chỉ riêng việc chép bản thảo sao cho sạch sẽ, không có lỗi chính tả để gửi đến các báo đài cũng là việc rất khó khăn đối với ông nếu không có PGS.TS.Hoàng Năng Trọng giúp đỡ.

Không chỉ ở văn chương, trong đời sống hàng ngày, PGS.TS. Hoàng Năng Trọng cũng là món quà quý giá mà thượng đế đã ban tặng cho nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.

PGS Trọng luôn tìm cách khắc phục tình trạng đôi chân khuyết tật của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi để ông có thể lấy vợ, sinh con…

Ông đã nhờ các GS, BS chuyên khoa phẫu thuật chỉnh hình hàng đầu của Việt Nam cùng nhóm y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thái Bình chung tay làm phẫu thuật tách đôi chân xơ cứng cho bạn.

Ca phẫu thuật rất phức tạp do không chỉ mắc một chứng bệnh này mà Khơi còn mang trong mình nhiều bệnh nội khoa khác.

May mắn bằng tài năng, sự tận tình của các thầy thuốc, ca phẫu thuật đã thành công. Nhờ ca mổ tách đôi khớp háng đó, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mới có thể cưới vợ và sinh con. Hiện nay, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi có 3 cháu, một cháu gái và hai cháu trai rất thông minh, khỏe mạnh.

Hiện tại, đôi bạn suốt 30 năm qua đã làm hàng xóm của nhau, làm chỗ dựa cho nhau.