Trước phản ánh của dự luận khi Bộ GDĐT xin ý kiến về dự thảo Nghị định, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GDĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86 đối với năm học 2021-2022 với mức học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp áp dụng theo mức học phí của năm học 2020-2021 đã được quy định tại Nghị định số 86; mức học phí mầm non, phổ thông áp dụng theo khung của năm học 2020-2021 và tiếp tục giao Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xem xét phê duyệt.
Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác vẫn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86 và các văn bản liên quan đã ban hành.
Đồng thời, cho phép Bộ GDĐT được lùi thời gian trình ban hành Nghị định sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Như vậy, năm học 2020-2021 hiện đang áp dụng mức học phí đã được quy định tại Nghị định số 86. Nếu đề xuất của Bộ GDĐT về việc lùi thời gian trình ban hành Nghị định thay thế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì hai năm nữa mới áp dụng nghị định mới (từ năm học 2022-2023) và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.
Nghị định số 86 của Chính phủ quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí.
Tuy nhiên, Nghị định này không quy định mức thu học phí đối với giáo dục tiểu học nên không có mức cấp bù ngân sách cho đối tượng học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Hiện nay, các cơ sở giáo dục tiểu học chỉ được Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên để duy trì hoạt động giáo dục của nhà trường. Mức cấp ngân sách này trên thực tế còn hạn chế, do đó các cơ sở giáo dục tiểu học còn gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 là việc phải thực hiện để đảm bảo tính liên tục của quy định pháp luật. Quá trình xây dựng và đề xuất mức tăng học phí đã được tính toán dựa trên kế hoạch và các căn cứ hợp lý.
Do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020-2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GDĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo, cần phải xây dựng Nghị định thay thế.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đồng thời nước ta vừa trải qua nhiều đợt bão, lũ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Do đó, Bộ GDĐT có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét, cho phép được gia hạn thời gian áp dụng Nghị định số 86, giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả các cấp học đối với năm học 2021-2022.