Dân Việt

Tiết lộ thú vị về thói quen mua sắm online trong dịch COVID-19

Ngọc Phạm 13/05/2020 19:40 GMT+7
Người tiêu dùng trở nên hào phóng hơn khi tăng tiền "tip" cho người giao hàng, ưu tiên đặt trà sữa hơn cả cơm,...

Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của nhiều người dân, nhưng mặt khác lại đang thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu dùng.

img

Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi mạnh mẽ trong thời gian xảy ra dịch COVID-19.

Dữ liệu tổng hợp từ nền tảng Grab đã mang đến một góc nhìn về những thay đổi thú vị diễn ra trong thời gian vừa qua. Dữ liệu được thống kê từ giữa tháng 10/2019 (trước dịch COVID-19) so với giữa tháng 4/2020 (trong dịch COVID-19).

Mua sắm trực tuyến bứt tốc

Các biện pháp kiểm soát dịch trên quy mô lớn, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển, tạm ngừng các dịch vụ không thiết yếu… đã trở thành “chất xúc tác" giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số giờ đây trở thành xu hướng tất yếu, các cơ sở dịch vụ chuyển từ offline sang online để duy trì hoạt động kinh doanh, người dân chuyển từ offline sang online để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Chính phủ cũng khuyến khích đẩy mạnh mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

GrabMart là hình thức “đi siêu thị hộ”, được triển khai tại TP.HCM từ ngày 23/03/2020 và nhanh chóng được mở rộng ra Hà Nội chỉ 14 ngày sau đó. Số lượng đơn hàng GrabMart đã tăng đến 91% chỉ sau 1 tuần triển khai. Dữ liệu trên hệ thống ghi nhận ngày 31/03/2020 là ngày đạt số lượng đơn hàng cao kỷ lục, ngay trước thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội.

Người dùng có xu hướng đặt hàng online nhiều hơn vào giữa tuần và cuối tuần. Cụ thể, hệ thống thường xuyên ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến vào lúc 16h chiều thứ Ba, lúc 10h sáng thứ Bảy và 15h chiều thứ Bảy. Đây có thể là những thời điểm người dùng bổ sung thực phẩm giữa tuần; hoặc chuẩn bị nấu nướng cuối tuần cho cả gia đình và dự trữ thực phẩm cho tuần kế tiếp.

Top 5 mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất:

1. Sữa

2. Mì ăn liền

3. Sữa đậu nành

4. Nước soda

5. Xúc xích heo

Trà sữa “soán ngôi" cơm

Tương tự thói quen mua sắm trực tuyến, thói quen đặt món trực tuyến trong mùa dịch COVID-19 của người dùng Việt cũng có những thay đổi đáng kể so với trước đó. Trước COVID-19, cơm là món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GrabFood. Trà sữa xếp thứ 2 trong danh sách, tiếp tục là thức uống yêu thích của người trẻ tuổi và dân văn phòng. Xếp ngay sau trà sữa là bún, mì, thức ăn nhanh, trà, cà phê… vốn là những món ăn quen thuộc, phổ biến với mọi người.

Với việc học sinh tạm rời trường học, nhân viên văn phòng tạm rời công sở, trà sữa đã “bứt phá” trở thành lựa chọn số 1 của người dùng trong mùa dịch. Cơm rơi xuống vị trí số 2, trong khi các món ăn khác vẫn giữ nguyên thứ tự.

img

So sánh top 5 món ăn được đặt nhiều nhất.

Dữ liệu cũng cho thấy, trong dịch COVID-19, người dùng Việt có vẻ thích ăn ngọt hơn hẳn trước đó. Số lượng đơn hàng các món tráng miệng trong dịch COVID-19 tăng đến 52% so với thời điểm trước khi có dịch, và đây cũng là mức tăng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Giá trị trung bình của một đơn hàng trong dịch COVID-19 cũng tăng 26% so với trước khi có dịch, có thể vì lý do các thành viên trong gia đình đều ở nhà và ăn uống cùng nhau. Dữ liệu cũng ghi nhận giá trị trung bình của đơn hàng GrabFood cho mọi bữa ăn đều tăng, trong đó mức tăng nhiều nhất thuộc về bữa tối. Trước đó, tại thời điểm chưa có dịch, vị trí bữa ăn có giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thuộc về bữa xế.

Thói quen sử dụng tiền mặt đang thay đổi mạnh mẽ

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân lần đầu tiên tiếp cận với các phương thức thanh toán trực tuyến. Theo dữ liệu của Moca, số người dùng lần đầu tiên thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab vào tháng 03/2020 đã tăng đến 22,5% so với tháng trước đó. 

Cũng theo Moca, trong dịch COVID-19, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên toàn bộ nền tảng Grab chiếm đến 43%. Đặc biệt, riêng với dịch vụ GrabMart, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt chiếm đến 70%.

Dữ liệu cũng ghi nhận, số lượng chuyến xe và đơn hàng mà đối tác tài xế nhận được “tip” trong dịch COVID-19 đã tăng 23% so với trước khi có dịch. Khoản tiền “tip” không chỉ là lời cảm ơn về mặt vật chất, mà còn là sự động viên đầy ý nghĩa về mặt tinh thần để các bác tài tiếp tục tận tụy với những cuốc xe trong mùa dịch.