Dân Việt

Bí ẩn ở vùng khai thác đá quý lớn bậc nhất Đông Nam Á, giàu có cùng máu và nước mắt

Bất chấp hiểm nguy, những người lao động vẫn cố gắng bám víu vào một mức thu nhập không đáng kể với hy vọng vận may đổi đời sẽ xuất hiện.

5 người Yay Ma Hsay – tên gọi của những người khai thác ngọc bích ở miền bắc Myanmar - đã đến một chiếc hồ mỏ rất sâu từ sớm tinh mơ vào tuần trước để kiếm sống trên một sườn đồi hiểm trở, bị dụ dỗ bởi viễn cảnh tìm thấy một hòn đá có thể thay đổi cuộc sống của họ.

Nhưng chỉ có ba người có thể trở lại, những người khác trở thành nạn nhân của thảm họa Myanmar thảm khốc nhất từ trước đến nay sau trận lở đất trong mưa lớn khiến ít nhất 174 người chết và số người mất tích đáng sợ.

img

Nhiều người trải qua những hiểm nguy, thậm chí là cái chết, nhưng vẫn không muốn từ bỏ với khát vọng đổi đời (nguồn: JapanTimes)

Sai Ko, một thợ mỏ 22 tuổi, đã may mắn sống sót trong vụ sạt lở đất hôm 2/7 tại mỏ ngọc bích Wai Khar, bang Kachin. Anh thoát nạn sau nhiều giờ vật lộn trong bùn đất và bám được vào thi thể của một đồng nghiệp xấu số. Ngoài Sai Ko, hai người bạn trong nhóm của anh là Zaw Lwin, 29 tuổi và người em trai San Lwin cũng sống sót một cách kỳ diệu.

Tuy nhiên, những bi kịch như vậy không phải là hiếm tại các mỏ ngọc bích ở Myanmar. Trong năm ngoái, 50 thợ mỏ tự do đã thiệt mạng trong một vụ sập hầm mỏ, trong khi một vụ lở đất hồi năm 2015 cướp đi sinh mạng của 120 người khác.

Thực tế, những vụ tai nạn như vậy hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Chính phủ vốn đã yêu cầu các hầm mỏ trong khu vực ngừng hoạt động trong giai đoạn mùa mưa để phòng ngừa nguy cơ lở đất do mưa lớn. Tuy nhiên, tại khu mỏ Wai Khar, hàng trăm lao động bất hợp pháp vẫn tiến hành làm việc, bất chấp cảnh báo nguy hiểm với mong muốn có cuộc sống giàu có, ít nhất là được đổi đời.

img

Hàng nghìn người vẫn lao động bất hợp pháp bên cạnh hiểm nguy (nguồn: JapanTimes)

Theo ước tính, Myamar hiện đang sản xuất tới 70% lượng ngọc bích của toàn thế giới. Global Witness, tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra tham nhũng và lạm dụng môi trường cho biết ngành công nghiệp khai thác ngọc bích tại Myanmar có trị giá khoảng 31 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014, tương đương với gần một nửa GDP chính thức của nước này thời điểm đó.

Hầu hết các lao động trong các mỏ khai thác đá quý đều làm việc mà không có hợp đồng, nhận lương theo ngày và không có bảo hiểm sức khỏe. Ngoài các thợ mỏ bất hợp pháp, còn có cả những người nhặt rác, chủ yếu là dân di cư từ các bang khác, đến làm việc và sinh sống ngay gần các khu mỏ.

Bất chấp hiểm nguy, những người lao động vẫn cố gắng bám víu vào một mức thu nhập không đáng kể với hy vọng vận may đổi đời sẽ xuất hiện. Sai Ko chia sẻ: “Đôi khi chúng tôi săn lùng trong mười ngày mà chỉ tìm được một mảnh ngọc trị giá 7-14 đô la. Nếu chúng tôi kiếm được một viên to hơn, chủ mỏ sẽ lấy nó”.

Tuy nhiên, không ai muốn rời bỏ những khu mỏ chết chóc đó. Ngay cả Zaw Lwin, một người bạn trong nhóm của Sai Ko, dù đã trải qua ký ức cận kề cái chết trong vụ sập mỏ những vẫn quyết định sẽ ở lại. Thay vì tiếp tục làm việc ở các hầm mỏ, anh sẽ chuyển sang làm việc trên các đống rác thải được đổ lên đỉnh đồi bởi các công ty khai thác.

Với Zaw Lwin, thảm kịch vừa xảy ra không thể xua tan giấc mơ vượt qua nghèo đói. “Một ngày nào đó, nếu tôi tìm được những viên đá đắt tiền, tôi sẽ trở thành một Lawpan - ông chủ của những người khai thác ngọc. Tôi muốn được sống trong một khu nhà trên phố. Tôi sẽ không từ bỏ”.