Dân Việt

NÓNG: Các nhà khoa học tìm thấy dấu hiệu sự sống trên Sao Kim

Vĩnh Hậu 15/09/2020 07:55 GMT+7
Sự sống ngoài hành tinh có thể rải rác khắp Hệ Mặt Trời chứ không chỉ ở mỗi Trái Đất. Đây chính là một bước mới để mở khóa dần bí ẩn của vũ trụ xa xôi.

img

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng có khả năng sự sống ngoài hành tinh đang phát triển trong các đám mây phía trên Sao Kim.

Đây là một điều rất bất ngờ bởi hành tinh hàng xóm của chúng ta trong Hệ Mặt Trời là một nơi rất khó để có sự sống. Bầu khí quyển của nó chứa đầy Carbon Dioxide (CO2), loại khí rất độc với con người và động vật. Hơn hết, khí này khiến cho Sao Kim chịu hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ của nó tăng cao nhất trong tất cả các hành tinh, vào khoảng 465 độ C trên bề mặt.

Tuy nhiên, theo BBC, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại khí khác được tìm thấy cách bề mặt hành tinh này 50Km khiến họ không thể giải thích được. Loại khí này tên là Phosphine. 

img

Giáo sư Jane Greaves và nhóm của cô từ Đại học Cardiff là những người đầu tiên tìm thấy Phosphine bằng kính viễn vọng lớn ở Hawaii. Họ nói rằng ban đầu họ chỉ quan sát vì sự tò mò thuần túy. Nhưng sau đó, cả hai đài quan sát tại trung tâm này đều nhìn thấy thứ giống nhau: Sự hấp thụ mờ trong bước sóng thích hợp cho phép họ xác định đó là khí Phosphine.

“Hãy loại bỏ một ý nghĩ cực đoan rằng các đám mây Phosphine trên sao Kim đầy ắp các sinh vật. Dẫu sao, đây cũng là một phát hiện khiến chúng tôi bị sốc”, Giáo sư Greaves nói.

Trước đó, vào tháng 6/2020, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – Mỹ) công bố một nghiên cứu cho thấy khả năng cao khí Phosphine chính là dấu hiệu cho sự sống bên ngoài Trái Đất. Những hành tinh thuộc “vùng sự sống”, tức là khoảng cách vừa đủ với ngôi sao chủ, có thể sẽ không có Oxy nhưng vẫn tồn tại những dạng sống đặc biệt. Ở những nơi như vậy, sinh vật sẽ “thở” bằng khí Phosphine thay vì Oxy.

img

Khí Phosphine (công thức hóa học PH3) được tìm thấy với số lượng hạn chế trong đường ruột của con người và cá, trên những cánh đồng lúa nước, sinh ra trong quá trình phân hủy xác động thực vật, nhất là phần xương. Trong các nghĩa trang, khi thời tiết mưa phùn, khí Phosphine có thể thoát ra và gây nên hiện tượng “ma trơi”.