Dân Việt

Đón sóng FDI sang Việt Nam: Làm sao để kêu gọi vốn và hợp tác kinh doanh hiệu quả?

Hồng Cảnh 01/07/2020 14:25 GMT+7
Việt Nam đang là một trong những điểm sáng cho làn sóng chuyển dịch vốn FDI. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tỉnh táo, nắm được quyền kiểm soát và tìm hiểu kỹ thông tin vì “thật giả lẫn lộn”.

Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch Covid-19 và những chính sách tích cực nhằm khôi phục kinh tế đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu. Tuy nhiên, liệu có thực sự có làn sóng chuyển dịch FDI này không?

Tháng 6/2020, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là 1,79 tỷ USD, tăng 14,9% so với tháng 5/2020 nhưng 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 15,7 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, theo các chuyên gia, cơ hội có nhưng không lớn.

Tại tọa đàm Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cơ hội và thách thức vừa tổ chức chiều 30/06,  ông Nguyễn Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phần lớn bây giờ chúng ta vẫn nghĩ là chúng ta hay quá, chúng ta chiến thắng Covid-19 là chúng ta có hết rồi, cứ thế là người ta vào thôi. Mọi thứ không dễ như vậy.

img

Liệu có thực sự có làn sóng chuyển dịch vốn FDI hay không? (Ảnh minh họa).

Giải thích vấn đề này, ông Thắng chia sẻ, cách đây vài năm, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, đã có sự chuyển dịch rồi, nhưng chúng ta hay nghĩ là chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Song, những con số thống kê thì không nói vậy.

“Anh có nhà máy đó nhưng anh có dễ dàng “bốc” nhà máy đi ngay được không? Chỉ là giải thể một doanh nghiệp thôi đã mất rất nhiều thời gian rồi. Còn thanh lý, còn bao nhiêu vấn đề khác, nên trong năm 2020 thì không chắc là dòng vốn từ Trung Quốc sẽ sang ngay mình”, ông Thắng nhận định.

img

Ông Nguyễn Hữu Thắng: “Có nhà máy nhưng có dễ dàng bốc nhà máy đi ngay được không?”

Trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, theo ông Thắng, Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài. Thứ nhất là việc phát triển kinh tế xã hội đất nước hùng mạnh. Thứ hai là xây dựng nền kinh tế tự cường. Thứ ba là đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, hiện Việt Nam đang có lợi thế nhờ việc không chế và bước ra khỏi dịch Covid-19 từ rất sớm. Doanh nghiệp FDI cũng nhìn nhận Việt Nam như một nền kinh tế ổn định, có sức chống chịu cao. Mặt khác, nhân lực của Việt Nam đã được cải thiện nhiều qua thời gian.

img

Ông Nguyễn Văn Toàn: “Doanh nghiệp Việt phải lớn lên, cạnh tranh ngang ngửa với doanh nghiệp FDI”.

Tuy nhiên, theo ông Toàn, Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung  ứng ở mức độ thấp. “Ví dụ như mười mấy năm trước, khi doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam, họ không mở nhà máy mà liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Nhật bỏ vốn, công nghệ để cùng làm ra sản phẩm”, ông Toàn chia sẻ.

Do đó, ông Toàn cho rằng, Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Và cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao. Phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được.

Trong vai trò một doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse cho rằng, việc đón nhận làn sóng dịch chuyển cần thực hiện nghiêm túc bởi nó không hề đơn giản. Chính Sunhouse đã nhận về bài học đau xót trong việc kêu gọi vốn và hợp tác kinh doanh.

“Tập đoàn có hợp tác với một công ty Hàn Quốc trong đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng chỉ nắm 49% cổ phần bởi đặt trọn niềm tin vào đối tác. Tuy nhiên, thời gian hợp tác cho thấy đối tác cũng không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, Sunhouse phải mua lại toàn bộ vốn của đối thủ”, ông Phú nói.

img

Ông Nguyễn Xuân Phú: “Đầu tư FDI cũng phải có nghệ thuật”.

Do đó, theo ông Phú, nhận vốn đầu tư FDI cũng cần phải có nghệ thuật. Doanh nghiệp Việt cần chủ động, tỉnh táo, nắm được quyền kiểm soát và tìm hiểu kỹ thông tin.

Trong giai đoạn đầu, việc chấp nhận làm gia công là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong quá trình làm thuê đó, cần học hỏi được về công nghệ, học cách làm chủ, hiểu nhu cầu khách hàng ở từng thị trường để sau này xây dựng thương hiệu và có thể bán vào những thị trường đó để trở thành ông chủ.

“Năm 2003, Sunhouse nhận đầu tư của Hàn Quốc 30% và mình nắm quyền quyết định. Sau đó mình mua lại được thương hiệu và nó trở thành thương hiệu Việt”, ông Phú nói.

Thẳng thắn nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này, ông Phú cho rằng dịch chuyển nhà máy là rất khó. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón, chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.