Bộ Công Thương nói về dự án thuỷ điện Rào Trăng 3
Theo Bộ Công thương, thời gian qua Bộ này đã cùng các tỉnh, địa phương rà soát hàng loạt dự án ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và rừng.
Đặc biệt, từ 2016 đến nay tất cả dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đã không còn dự án nào được bổ sung vào quy hoạch và đối với các dự án được bổ sung quy hoạch đều được kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến đất, rừng.
Trận sạt lở trưa 12/10 khiến khu nhà điều hành của thuỷ điện Rào Trăng 3 bị vùi lấp.
Đối với các dự án thuỷ điện tại Huế, trong đó có thủy điện Rào Trăng 3, lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận trong quy hoạch ban đầu có chiếm một số diện tích đất rừng vì phương án chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, sau đó nhà đầu tư đã chuyển hoàn toàn các tuyến dẫn nước vào đường hầm nên không còn ảnh hưởng tới diện tích đất rừng tự nhiên.
Từ năm 2011, Bộ TN&MT đã có cảnh báo về tác động bồi lắng, ảnh hưởng rừng, tác động dòng chảy. Hiện, Bộ Công Thương cũng đã có lưu ý khi xem xét quy hoạch. Đặc biệt với các vùng có những rủi ro lớn về địa chất, lượng mưa lớn như Huế, khu vực rừng Phong Điền.
Liên quan đến vấn đề xả lũ những ngày vừa qua, Bộ này đã vận hành đúng quy trình, để đảm bảo an toàn hồ chứa, đập hồ nước và chỉ đạo các thủy điện có chức năng tham gia hoạt động điều tiết lũ. Tuy nhiên, đối với các hồ thủy điện nhỏ thường không có dung tích phòng lũ nên khi lũ từ thượng nguồn về sẽ tràn qua đập tràn về phía hạ du.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu tổng rà soát tất cả hồ chứa, đặc biệt đối với những hồ nằm trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt để tính toán kỹ, kiểm tra, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hồ chứa, tránh tình trạng như thủy điện Rào Trăng 3.
Lo ngại năng lực tài chính của ACV khi làm Sân bay Long Thành
Bộ Tài chính cho biết, suất đầu tư giai đoạn 1 của Sân bay Quốc tế Long Thành là 109.000 tỷ đồng/25 triệu hành khách là ngưỡng cao và lo ngại năng lực tài chính của ACV khi làm dự án thành phần.
Theo Bộ Tài chính, đơn vị tư vấn thẩm tra dự án cũng cho biết nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị, phương án lựa chọn công nghệ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cơ bản là các vật liệu sử dụng sẵn có tại thị trường trong nước, thân thiện với môi trường, có thể huy động được.
Hình ảnh quy hoạch Sân bay Long Thành
Khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho vận hành công nghệ máy móc, phương án lựa chọn công nghệ, kỹ thuật, thiết bị thi công sân bay quốc tế Long Thành phù hợp với điều kiện trong nước.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn thẩm tra cần làm rõ nguyên nhân, lý do khiến suất vốn đầu tư của sân bay quốc tế Long Thành cao hơn các dự án so sánh tương tự trên thế giới, đồng thời làm rõ những ưu việt, đặc thù của sân bay quốc tế Long Thành với các dự án so sánh nếu có.
47 dự án đầu tư ra nước ngoài của các "ông lớn" Nhà nước lỗ hơn 1 tỷ USD
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp năm 2019 lên Quốc hội.
Theo báo cáo, điểm đáng chú ý là đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang gặp khó khăn, nhiều dự án đã bị thua lỗ.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, có 27 doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp và vận tải hàng không, bệnh viện, chế biến dược phẩm,...
Năm 2019, có 87/130 dự án báo cáo về doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài là hơn 7.021,88 triệu USD, bằng 127,16% so với năm 2018.
Theo báo cáo, đáng mừng nhất là hiện có 53 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận 565 triệu USD, tăng 39 triệu USD và bằng 107,42% so với năm 2018; 33 dự án bị lỗ với số lỗ là 156 triệu USD giảm 201 triệu USD và bằng 43,74% so với năm 2018. Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 206,3 triệu USD, giảm 25,04 triệu USD và bằng 89,18% so với năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn 47 dự án bị lỗ lũy kế với số lỗ 1 tỷ USD. Ngoài ra, còn một số dự án chưa báo cáo doanh thu, lợi nhuận nên chưa có cơ sở để đánh giá về hiệu quả đầu tư của các dự án này.
Chi gần 18.000 tỷ tiền ngân sách phòng chống Covid-19
Theo Bộ Tài chính, Ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 17.490 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong số chi này, có 4.920 tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch theo Nghị quyết số 37 của Chính phủ và Quyết định số 437 của Thủ tướng. Ngân sách trung ương đã trích 3.920 tỷ đồng bổ sung cho các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và hỗ trợ cho 27 địa phương; các địa phương cũng chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.
Nằm trong số chi nói trên, 12.570 tỷ đồng đã được chi ra để hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng.
Ngoài ra, ngân sách cũng thực hiện xuất cấp khoảng 16.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói người dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Kiểm toán Nhà nước "khui" 5 vụ án lớn, chuyển sang Bộ Công an điều tra
Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước - khẳng định: Cơ quan kiểm toán đã khui nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, quản lý sử dụng đất, trốn thuế, tham nhũng.
Qua các đợt kiểm toán theo chuyên đề và kiểm toán bất thường, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng; chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra và 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Trong 9 tháng năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.