Ngày 17 và 18/10, do tình trạng mưa to tại Quảng Bình, nước sông lên cao dẫn đến ngập lụt nước trở lại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Mưa lũ và sạt lở đất làm một số trạm viễn thông của các nhà mạng bị cô lập, điện lưới mất diện rộng,... gây khó khăn cho công tác vận hành và triển khai máy nổ. Hậu quả, làm mất liên lạc tới các trạm BTS trên địa bàn.
Nhân viên VNPT đang khắc phục sự cố mạng viễn thông giữa nước lũ.
Trước tình hình đó, đại diện VNPT cho biết: Các đơn vị của VNPT tại các tỉnh Quảng, Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã quyết tâm bằng giá nào cũng đánh bại giặc nước, khắc phục nhanh nhất các sự cố, hoạt động của các trạm phát để giữ vững mạng lưới thông tin huyết mạch trên địa bàn, phục vụ cho công tác cứu hộ bão lũ của địa phương.
"Các đơn vị của VNPT đã bố trí nhân lực tại các trạm vùng trũng sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn thiết bị. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lực lượng này ứng cứu kịp thời các sự cố cáp quang. Các thiết bị thông tin vệ tinh Inmarsat đã được VNPT sẵn sàng tăng cường phục vụ, đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành các cấp chính quyền", đại diện VNPT thông tin.
Riêng tại huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình, ngày 18/10, nước lũ lên cao, với mực nước lũ cao hơn các năm trước đây, dự báo sẽ bằng đỉnh lũ kỷ lục (năm 1979). Để đảm bảo giữ vững mạng lưới viễn thông, VNPT Quảng Bình đã khẩn trương triển khai máy nổ cứu hộ để đảm bảo hoạt động cho các trạm phát.
Một số hình ảnh về công tác cứu hộ mạng lưới của Trung tâm viễn thông Lệ Thuỷ - VNPT Quảng Bình:
Lực lượng kỹ thuật của nhà mạng đi ghe ứng cứu các trạm viễn thông.
Bì bõm dưới nước lũ, vác theo các thiết bị kỹ thuật chuyên dụng.
Hệ thống thông tin liên lạc đóng vai trò rất quan trọng mỗi khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là cáp quang và các trạm viễn thông.
VNPT Quảng Bình đã triển khai máy nổ cứu hộ để đảm bảo hoạt động cho các trạm phát.
Còn với MobiFone, nhà mạng này nhận định: Tình hình mưa lũ ngập lụt trên diện rộng cũng khiến nhiều khu vực không đặt được máy phát điện. Các hồ thủy điện trên địa bàn đã thông báo kế hoạch xả lũ với lưu lượng lớn, nguy cơ nước tiếp tục dâng cao ngập sâu ở vùng hạ lưu, điện lực các địa phương tiếp tục cắt điện diện rộng để đảm bảo an toàn lưới điện và con người - điều này dẫn đến nguy cơ có thể mất sóng, gây gián đoạn liên lạc.
Đối phó với tình hình khẩn cấp, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của Trung tâm Mạng lưới miền Trung MobiFone đã triển khai các phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão, lụt gây ra. Bằng việc huy động tối đa các máy phát điện hiện có, hỗ trợ máy phát điện tại các địa bàn lân cận. Ngoài nguồn nhân lực nhân sự, phương tiện tại chỗ, MobiFone đã huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài cùng với toàn bộ các cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm xuống từng địa bàn tỉnh để điều hành và hỗ trợ các đơn vị.
"Dịch nối dịch, lũ chồng bão, các Trung tâm mạng lưới MobiFone nói riêng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone nói chung vẫn đang cố gắng nỗ lực hết mình để đảm bảo tốt nhất chất lượng sản phẩm, dịch vụ của MobiFone trước những diễn biến khó lường của thiên tai", đại diện MobiFone chia sẻ.
Nhân viên MobiFone dùng ghe di chuyển để tiếp nhiên liệu cho các trạm phát sóng.
Nhân viên MobiFone tiếp nhiên liệu, gia cố trạm, cột phát sóng.