Dân Việt

Cục An toàn thực phẩm phản hồi ý kiến "cảnh báo vụ ngộ độc Pate Minh Chay quá chậm trễ"

Diệu Thu 01/09/2020 09:30 GMT+7
Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước (Cục An toàn thực phẩm) thông tin về sản phẩm Pate Minh Chay nguy hại là quá chậm trễ.

Những ngày qua, đã có 10 trường hợp ngộ độc được đưa vào các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP.HCM cấp cứu, điều trị sau khi ăn Pate Minh Chay.

Gần đây nhất, tại Hà Nội có 2 trường hợp rất nặng trong đó có một cụ ông phải thở máy do ăn thực phẩm này.

Trước ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước (Cục An toàn thực phẩm) thông tin về sản phẩm nguy hại như vậy là quá chậm trễ vì những trường hợp ngộ độc pate Minh Chay đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/7, đến 18/8, Cục An toàn thực phẩm nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nghi ngờ ngộ độc liên quan đến thực phẩm và hai ngày sau đó xác định liên quan đến sản phẩm này, nhưng đến ngày 29/8 mới cảnh báo rộng rãi và yêu cầu thu hồi.

img

Sản phẩm Pate Minh Chay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Bất kỳ việc nào cũng phải được xử lý từng bước theo đúng quy định của pháp luật.

Cụ thể: Ngày 19/8, Cục nhận được báo cáo đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai về việc có 2 bệnh nhân đang nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, nghi ngờ do ngộ độc vi khuẩn Clostridium botulinum và có thể liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay. Đây là sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới. Hà Nội đã kiểm tra và yêu cầu ngừng sản xuất, ngừng lưu hành sản phẩm pate Minh Chay.

Sau đó, có kết quả xét nghiệm thực phẩm đó có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum. Đồng thời, Cục nhận được thông tin từ TP.HCM cũng có 7 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện của thành phố (hiện con số này là 8) và cũng có liên quan đến sản phẩm này. Vì thế, Cục phối hợp với Chi cục, các cơ quan chức năng thành lập ngay đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm và đến kiểm tra cơ sở đó.

Theo ông Long, Cục An toàn thực phẩm phát cảnh báo cho người tiêu dùng không sử dụng pate Minh Chay và 12 sản phẩm khác của công ty này. Cục An toàn thực phẩm gửi văn bản đến các sở y tế, các chi cục, các ban quản lý an toàn thực phẩm để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Cục cũng yêu cầu công ty phát đi cảnh báo trên chính trang web của họ, gọi điện đến cho những người đã mua sản phẩm.

“Cục An toàn thực phẩm đã làm tất cả các bước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cảnh báo cho người tiêu dùng để tránh tiếp tục có những hậu quả tiếp theo. Biện pháp khẩn cấp là ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm đó và cảnh báo người tiêu dùng để ngăn chặn sản phẩm đó tiếp tục được sử dụng và gây ra những hậu quả đối với sức khỏe.

Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cũng như tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm cho cơ sở này là do ngành nông nghiệp của Thành phố Hà Nội thực hiện.

Tất cả quy trình thực hiện theo nghị định số 15 của Chính phủ ban hành năm 2018. Theo nghị định, những sản phẩm thông thường như thế, sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, người ta đã sản xuất và tự công bố ở cơ quan quản lý trực tiếp thì người ta được quyền kinh doanh sản phẩm đó", ông Long nói.

Để tránh bị ngộ độc, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng kiểm tra hộp thực phẩm có hiện tượng phồng nắp hoặc hộp phồng căng bị biến dạng thì không nên sử dụng thì khi đó có thể có hiện tượng nhiễm vi khuẩn và sinh ra khí tăng áp lực của hộp gây ra méo hoặc căng hộp.

Theo các chuyên gia, botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).

Trung bình 12-36 giờ (có thể vài ngày) sau khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm vi khuẩn này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân, sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Nếu sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn có thể sinh ra độc tố mạnh, nếu nồng độ mạnh có thể gây chết người ngay lập tức, nồng độ thấp thì sẽ gây ngộ độc.