Đi ngược xu hướng xây dựng nhà ở hiện đại, anh Nguyễn Tiến Đạt từ trung tâm Hà Nội trở về Đường Lâm làm ngôi nhà cổ ba gian theo lối kiến trúc đặc trưng của nhà Bắc Bộ thời xưa. Mong muốn của gia chủ khi xây dựng ngôi nhà này là tạo ra không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt cuối tuần cho gia đình, để mọi người được trải nghiệm cuộc sống thực sự ở làng quê Việt Nam.
Anh Đạt sở hữu mảnh đất rộng 180 m2 ở Đường Lâm từ năm 2003, tuy nhiên phải chờ đợi gần 10 năm mới xây dựng được hoàn thiện một căn nhà, sau khi may mắn được một gia đình để lại cho bộ khung gỗ nguyên bản gồm 3 gian 2 chái với cửa bức bàn chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Để đồng bộ với kiến trúc nhà cổ ở Đường Lâm và tạo ra không gian truyền thống, anh Đạt sử dụng đá ong để xây tường. Mất khoảng 8 tháng công trình được hoàn thiện với chi phí 1,4 triệu đồng/m2 tường.
Cận cảnh căn nhà ba gian truyền thống, nội thất toàn đồ cổ quý hiếm:
Ngôi nhà được thiết kế hình chữa L với khu bếp nối liền dãy nhà chính. Khung nhà được dựng từ gỗ tự nhiên kết hợp với tường đá ong khiến cho không gian sống mang đậm nét truyền thống, cổ xưa.
Sự tinh tế và độc đáo của căn nhà được thể hiện qua các chi tiết thiết kế khung cửa, mái vòm, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Không gian chính có 3 gian 2 chái với cửa bức bàn.
Nền nhà và sân chủ yếu sử dụng gạch đỏ truyền thống, bên cạnh là khu bếp nối liền với nhà chính được xây dựng bằng gạch đá ong nổi tiếng ở Đường Lâm.
Trần nhà được thiết kế bằng cách thành gỗ ngang, chạm khắc tinh xảo với các họa tiết rồng phượng được lấy cảm hứng từ hai vị Vua làng Đường Lâm như Phùng Hưng đánh hổ, Quá Đằng Giang (vượt sông Bạch Đằng của Ngô Quyền)
Tuy được xây dựng theo kiểu nhà cổ truyền thống nhưng nội thất trong nhà được gia chủ trang bị nhiều thiết bị hiện đại, để cuộc sống được tối ưu, tiện lợi và thoải mái nhất.
Trong quá trình xây dựng nhà, anh Đạt tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia về nhà cổ để kết hợp hài hòa không gian sống xưa với nếp sống hiện đại.
Nhiều món đồ trang trí bằng gốm sứ mang đậm dấu ấn cổ truyền như chú Tễu; đèn dầu. Gian giữa bày tủ chè, hoành phi và câu đối cổ khoảng 60 năm tuổi.
Bộ trường kỷ cổ thiết kế tinh xảo nhưng gọn gàng.
Khoảng sân vườn xung quanh ngôi nhà được gia chủ tận dụng trồng nhiều cây xanh lớn nhỏ để tạo cảnh quan đa dạng đồng thời mang lại nguồn không khi trong lành cho căn nhà.
Lối vào giống như một cổng làng thu nhỏ với mái lợp ngói, có cây cổ thụ tỏa bóng mát. Kết cấu, chất liệu cửa đều giống với nguyên mẫu cánh cửa truyền thống thời xưa.