Dân Việt

Năm 2020 - một năm chưa từng có trong lịch sử giáo dục Việt Nam

Diệu Thu (tổng hợp) 21/12/2020 11:55 GMT+7
Năm 2020 là một năm học “đặc biệt” đối với ngành giáo dục khi phải chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19.

Nghỉ học kéo dài, học trực tuyến và giảm tải chương trình

Chỉ còn ít ngày nữa, năm 2020 với nhiều khó khăn sẽ khép lại. Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia trong đó có Việt Nam. Cùng với nhiều lĩnh vực chịu tác động của COVID-19, ngành Giáo dục của Việt Nam cũng có 1 năm 2020 đầy khó khăn, thử thách.

img

Hàng triệu giáo viên, học sinh phải dạy và học trực tuyến. (Ảnh minh họa) 

Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19. Đây là thời điểm giáo viên và học sinh cùng nhân dân cả nước đang đón Tết Canh Tý.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên học sinh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành vẫn chưa thể trở lại trường học. Tính đến 6/2/2020, đã có 63/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch COVID-19. Sau đó, trong suốt tháng 2 và tháng 3, học sinh cả nước tiếp tục phải nghỉ học.

Đến cuối tháng 3, vẫn còn 43 tỉnh thành phố cho học sinh nghỉ học do lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tháng 4, khi cả nước thực hiện cách ly toàn xã hội theo quyết dịnh của Chính phủ để hạn chế sự lây lan của COVID-19, ngành giáo dục Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh thành phố đầu thực hiện việc học trực tuyến ở tất cả các cấp học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục – Đào tạo nhằm đảm bảo chương trình học kỳ II năm học 2019-2020. Kết quả, trong thời gian này, Việt Nam có gần 80% học sinh sinh viên học được trực tuyến.

Riêng khối Đại học – Cao đẳng, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, có tới 100 trường đã triển khai đào tạo trực tuyến. Hình ảnh nam sinh Lầu Mí Xá (bản Sủng Của, xã Sủng Trái (Đồng Văn, Hà Giang), sinh viên năm 3 Học viện Hành chính quốc gia dựng lều ven đường bắt sóng 3G để học online khiến không ít người xúc động và khâm phục tinh thần ham học của học sinh Việt.

Tuy vậy, việc học trực tuyến trong cuối tháng 3 và cả tháng 4 cũng chưa đủ đề bù đắp chương trình học kỳ II bị ảnh hưởng bởi COVID-19 (do học sinh phải nghỉ học hoàn toàn từ cuối tháng 1 đến gần cuối tháng 3). Do đó, cuối tháng 3/2020, Bộ Giáo dục đã quyết định cắt giảm chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 của các cấp THCS và THPT. Theo đó, chương trình học kỳ II cắt giảm từ 5-7 tuần so với chương trình hiện nay. Đề thi THPT quốc gia cũng dựa trên chương trình giảm tải.

Đến đầu tháng 5/2020, các trường học trên cả nước đã mở cửa trở lại để đón học sinh nhưng vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như khử khuẩn thường xuyên, khai báo y tế, đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp, thực hiện đeo khẩu trang trong suốt thời gian học… Đến 11/7/2020, chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 kết thúc trong sự thở phào của thầy và trò. Một học kỳ II và cũng là một năm học cực kỳ đáng nhớ trong cuộc đời mỗi giáo viên và học sinh.

Không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch học tập của các cấp học, dịch COVID-19 cũng khiến kế hoạch thi vào lớp 10 của các tỉnh thành phố phải đến giữa tháng 6. Riêng Hà Nội, ngoài việc lùi lịch thi đến 17 và 18/7, số lượng môn thi cũng được điều chỉnh. Theo đó, học sinh Hà Nội chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thay vì 4 môn như các năm học trước.

Tuy nhiên, năm học 20919-2020 vừa kết thúc thì ngay sau đó, đợt dịch COVID-19 thứ 2 bùng phát vào cuối tháng 7 khi Đà Nẵng ghi nhận liên tiếp các ca dương tính và tử vong. Từ 22/7- 15/8, hơn 1 triệu học sinh các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thừa Thiên Huế lại phải nghỉ học để phòng dịch.

Kỳ thi THPT Quốc gia – kỳ thi đặc biệt chưa từng có trong lịch sử

Năm 2020, các thí sinh, bậc phụ huynh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi chờ đợi quyết định của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo xem có tổ chức kỳ thi THPT hay không.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. 

Cuối cùng, sau nhiều lần bàn bạc và cân nhắc, Bộ GD-ĐT đã quyết định vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng mục tiêu chính của kỳ thi chỉ là để xét tốt nghiệp. Kết quả, điểm trung bình các môn thi năm nay đã tăng từ 0,2 đến 1,2 so với năm ngoái. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,34%.

Hình thức thi THPT quốc gia cũng có thay đổi, được chia thành hai đợt. Cụ thể, những địa phương đang là “tâm dịch” và thực hiện giãn cách xã hội sẽ thi đợt 2, các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước vẫn tổ chức thi theo kế hoạch ban đầu vào hai ngày 9 – 10/8/2020.

Để tham dự các buổi thi năm nay, các thí sinh phải bước qua khâu kiểm tra thân nhiệt rất khắt khe. Việc này được thực hiện ở hầu hết các điểm thi trên cả nước nhằm xác định, sàng lọc cũng như điều tra dịch tể các thí sinh có biểu hiện sốt, ho, thân nhiệt cao nhằm phòng tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh tiềm ẩn vẫn đang còn trong cộng đồng.

Tất cả các thí sinh lẫn các cán bộ coi thi, người làm nhiệm vụ tại điểm thi phải đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19: Đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào bên trong. Đây được coi là điều đặc biệt nhất trong lịch sử của các kỳ thi tại Việt Nam.

Ngày 3/9, hơn 26.000 thí sinh trong cả nước dự thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, trong đó có thí sinh thuộc diện F1, F2 và đối tượng cách ly y tế được tổ chức thi ở những khu riêng biệt và được giám sát y tế nghiêm ngặt.

Hàng triệu học sinh miền Trung tiếp tục nghỉ học vì lũ

Sau đợt dịch thứ 2 ở Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung tạm lắng thì hàng triệu học sinh miền Trung Năm lại liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt bão, lũ.

Từ ngày 19/10, khoảng 1,2 triệu học sinh tại 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An và Hà Tĩnh phải nghỉ học từ 2-3 tuần vì mưa to, lũ dâng cao.

img

Nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều nhà cửa của người dân miền Trung.

Về việc nhiều trường cho học sinh nghỉ dài ngày để phòng chống bão lũ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý các trường học có thể linh hoạt sắp xếp kế hoạch dạy học của trường ứng với điều kiện thực tế.

Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường đã thực hiện giãn chương trình, xây dựng kế hoạch dạy bù.

Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Sau lũ, khi nhiều gia đình mất trắng tài sản, đường đến trường của học sinh vùng lũ càng thêm gian nan khi những cuốn sách giáo khoa, tấm bảng đen hay bút viết cũng đã bị cuốn trôi trong lũ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kêu gọi các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo học sinh vùng lũ khi đến trướng có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu.

Sách giáo khoa lớp 1 còn nhiều “sạn”

Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được đưa vào giảng dạy trên toàn quốc, bao gồm 4 bộ do NXB Giáo Dục Việt Nam biên soạn và 1 bộ mang tên Cánh Diều do NXB ĐH Sư phạm và NXB ĐH Sư phạm TP.HCM biên soạn.

img

Năm 2020, dư luận phản ánh nhiều về sách giáo khoa lớp 1.

Tuy nhiên, khi năm học vừa mới bắt đầu, nhiều phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều không phù hợp.

Ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh sửa.

Sau đó, các tác giả đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến với tinh thần cầu thị, biên soạn tài liệu để bổ sung, điều chỉnh ngữ liệu.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, tuy các từ ngữ không hợp lý đã được thay thế, nhưng vẫn cần chỉnh sửa có hệ thống và bài bản hơn, không thể chỉnh sửa một cách chắp vá.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ GD-ĐT coi trọng mọi ý kiến đóng góp của nhân dân và có hướng giải quyết những vấn đề còn tồn tại.