Ngày xưa, hễ ai đỗ ông Nghè (Tiến sĩ) khi vinh quy bái tổ thì sẽ được đón rước rất trọng thể.
Đậu Tú Tài được hàng Xã đón rước.
Đậu Cử nhân được hàng Tổng đón rước.
Đậu Đại Khoa được hàng Huyện đón rước, ta gọi đó là Đám Rước Ông Nghè.
Thật là vinh dự!
Đi đầu là cờ rồi đến bát bửu xà mâu, kế đến là cờ biển của Vua ban, sau là đến kiệu võng có lọng che của thầy học và cha mẹ ông Nghè rồi mới đến ông Nghè.
Không chỉ như vậy, nhiều nơi còn tổ chức cỗ bàn linh đình. Tục lệ thì tùy từng vùng, nhưng cỗ nhất định phải 8 đĩa 4 bát. Tính ra thì cứ bốn một, tám hai, mỡ nhờn môi, tổng cộng cũng dễ đến cả trăm mâm đấy chứ.
Đám rước ông Nghè thời phong kiến
Ngày nay, chỉ cần xướng danh Hoa hậu là đã được đón rước cực kì long trọng, nào là xe trước đón phụ mẫu, xe sau rước người thân, rồi mới đến xe Hoa hậu. Hai bên đường, các ông thì mặc áo vest, các bà thì diện áo dài, rồi kèn rồi trống, rồi cờ rồi hoa bay phấp phới. Lắm người bàn đón trọng thể chẳng kém gì ông Nghè ngày xưa.
Có người tặc lưỡi cười nhạt: “Hoa hậu chứ nào có phải danh nhân, làm cái lễ rước “to đùng” như pháo rang thế này, thà là rước các em thủ khoa, đậu Đại học với điểm số cao chất ngất có phải hơn không?”
Người thì mau mồm mau phản hồi trên mạng xã hội: “Phải! Là người đẹp chứ có phải công trạng to lớn gì mà đón rước? Nếu là chính quyền địa phương thì cũng nên tự xem lại. Chưa kể, Cô Vy thì không biết ghé thăm lúc nào mà dân tình tụ tập đông đúc, áo dài áo ngắn, quần là váy lượt hơn cả đi trẩy hội, lại còn không thèm đeo khẩu trang nữa. Lỡ một phút trăm người sung sướng rồi 14 ngày cả làng cùng đi cách ly thì sao?"
Cũng có ý kiến tích cực hơn cho rằng, xét cho cùng, ở một vùng quê nhỏ, việc một cô gái từng chân lấm tay bùn được xướng danh ở ngôi vị cao nhất trong một cuộc thi sắc đẹp quốc gia thì cũng xứng được coi là một sự kiện văn hóa của địa phương.
Ngay đến cả hoa khôi Nam Kỳ xưa kia là cô Thiệu Trà Vinh còn được người Pháp săn đón ngay sau đêm đăng quang, thì huống gì buổi lễ đón Hoa hậu nếu xuất phát từ tấm chân tình của những người dân ở miền quê của cô thì cũng là rất đỗi bình thường. Nhớ đêm chung kết khi nàng hậu xứ Thanh đi thi, nhiều hộ còn bán cả tấn thóc để xem người con quê hương mình tỏa hương sắc trên sân khấu.
Xét hơn cả, mỗi kỳ hoa hậu là cả nghìn cô gái đẹp từ 63 tỉnh thành cùng thi thố, mà đâu phải cứ cô nào đi thi hoa hậu cũng “ăn giải” dễ như ăn cơm. Vì thế đến lọt top 5 cũng được xem như cả một kỳ tích nên ở một vùng quê "đón hoa hậu quốc gia như đi hội" cũng là dễ hiểu.
Ông Nghè ngày xưa thì thi văn, thi thơ. Hoa hậu ngày nay cũng phải thi tài năng, nhan sắc, thậm chí nàng nào có học vấn cao cũng được coi là một điểm cộng lớn. Nên thi ông Nghè hay thi Hoa hậu cũng là thi, mà đậu ông Nghè hay đậu Hoa hậu cũng đều là mang vinh quang về cho làng quê, thôn xóm. Nhưng dù đón ai, có vui thế nào, thì giữa thời đại dịch, điều cần làm là phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.