Dân Việt

Nhật ký COVID-19 ngày 21/8: Giai đoạn chuyển đổi "dương - âm"

Diệu Thu 21/08/2020 11:55 GMT+7
Một ngày mới bắt đầu, với mọi người có thể là một ngày bình thường như mọi ngày nhưng với chúng tôi - những bệnh nhân COVID-19 - lại là một ngày mới đầy hi vọng.

LTS: Anh N. (bệnh nhân số 589) là Giám đốc một công ty tại quận Tân Phú (TP. HCM). Ngày 1/8, anh có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng hôm 25/7. Hiện tại, anh N. đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM.

Khi điều trị tại đây, anh đã có những cảm xúc nhắn nhủ với mọi người rằng: "Dương tính với COVID-19 không hẳn là quá tệ, không phải là chấm hết. Khi vượt qua nó, bạn chiến thắng nỗi sợ hãi về nó, cho bạn thời gian bình tâm hơn để nhìn nhận về cuộc sống. Bạn sẽ nghiêm túc và biết phải làm gì nhiều hơn sau này. Và nó cho bạn sự trải nghiệm tuyệt vời mà chắc mua không có mà cũng đừng nên có”.

Chúng tôi xin giới thiệu những chia sẻ của bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 589 để khuyến cáo mọi người hãy luôn rửa tay, đeo khẩu trang và tuân thủ đúng các quy định và yêu cầu của cơ quan chính quyền, tuân thủ đúng các quy định về cách ly để tất cả vượt qua được đại dịch.

Ngày 21/8: Giai đoạn chuyển đổi "dương - âm"

Về tinh thần, tôi luôn thoải mái và lạc quan, vẫn tập hít thở, đi bộ tới lui mỗi ngày. Một ngày tôi vẫn đi bộ hơn 8000 bước chân. Tôi vẫn hít đất, vẩy tay theo bài hít thở dịch cân kinh.

Sức khoẻ hiện tại của tôi tốt, ăn uống đều đều, vẫn tự bổ sung thêm dinh dưỡng vì tôi tập thể lực nhiều, chi tiết hơn nữa các bác sĩ phụ trách sẽ thông báo khi cần.

img

Những thực phẩm được tiếp tế cho bệnh nhân

Tình hình bệnh nhân 601, 602 là vợ và cháu tôi vẫn đang tốt, ăn uống, tập thể dục, cũng đi bộ và so bước chân cùng nhau. Chúng tôi luôn lạc quan và tin tưởng sẽ vượt qua thử thách này. Chúng tôi đang đợi thông báo mới nhất của các chuyên gia y tế.

Tại sao một ngày mới lại là ngày đầy hi vọng với bệnh nhân COVID-19 ?

Tất cả các bệnh nhân COVID-19 mỗi sáng thức dậy, vượt qua từng ngày không có phát sinh các triệu chứng đó chính là hi vọng, ngày mới được các chuyên gia y tế thăm khám và tầm soát các triệu chứng lâm sàng, thực hiện xét nghiệm mỗi ngày, cũng như thi thoảng thông báo những kết quả xét nghiệm ngày trước đó. Chúng tôi biết âm hay dương để biết đang trong giai đoạn nào, sắp đến giai đoạn phục hồi hay chưa, hoặc sắp được xuất viện hay chưa.

Các kết quả xét nghiệm phản ánh tình trạng bệnh, cũng như tải lượng virus, kháng thể của cơ thể.

Thường có các xét nghiệm sẽ được làm trong thời gian này (tuỳ nơi bạn điều trị, tuỳ triệu chứng phát sinh thì có thêm nhiều xét nghiệm tầm soát khác…).

Xét nghiệm phân tử: Phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược thời gian thực (rRT-PCR), có khả năng phát hiện RNA của SARS-CoV-2, có thể được thực hiện trên các mẫu từ đường hô hấp, gồm các mẫu tăm bông mũi hoặc đờm. Xét nghiệm này giúp phát hiện RNA của SARS-CoV-2 và được sử dụng để xác nhận nhiễm virus gần đây hoặc đang hoạt động.

Đây là phương pháp xét nghiệm hằng ngày mình được nhân viên y tế lấy mẫu.

Ngoài ra, còn thêm phương pháp xét nghiệm kháng thể gọi là rapid test kháng thể IgG/IgM trong cơ thể thời điểm này thế nào.

Xét nghiệm kháng thể (huyết thanh học) có thể được sử dụng cả cho chẩn đoán và giám sát cộng đồng dân cư. Một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm virus là sự tổng hợp các kháng thể IgM và IgG. Các kháng thể IgM đối với SARS-CoV-2 thường có thể phát hiện được trong máu vài ngày sau khi bị nhiễm lần đầu. Kháng thể IgG đối với SARS-CoV-2 có thể được phát hiện muộn hơn sau nhiễm virus. Xét nghiệm kháng thể cho biết có bao nhiêu người đã mắc bệnh, bao gồm cả những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Sự thay đổi mức độ RNA của SARS-CoV-2, kháng nguyên (antigen), các kháng thể IgM và IgG của người trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2 và quá trình hồi phục nói chung gồm 3 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn ủ bệnh (không triệu trứng): thường từ 0-5 ngày sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

- Giai đoạn khởi phát (xuất hiện triệu chứng): thường từ ngày thứ 5 sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

- Giai đoạn hồi phục (triệu chứng giảm dần): từ ngày thứ 14 sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và khoảng ngày thứ 10 kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

RNA và kháng nguyên của SARS-CoV-2 xuất hiện ngay từ ngày đầu bị nhiễm virus, đạt mức cao nhất vào khoảng ngày thứ 14 rồi giảm dần và có thể biến mất vào ngày thứ 21.

Kháng thể chống SARS-CoV-2 IgM thường xuất hiện vào ngày thứ 7 sau nhiễm virus, đạt mức cao nhất vào khoảng ngày thứ 14 đến 21 rồi giảm dần và có thể biến mất vào ngày thứ 28.

Kháng thể chống SARS-CoV-2 IgG thường xuất hiện muộn hơn, thường là vào ngày thứ 14 sau nhiễm virus, đạt mức cao nhất trong vòng vài tháng tiếp theo và có thể tồn tại một thời gian dài sau đó.

Dựa trên các kết quả xét nghiệm hằng ngày, cho chúng tôi cơ sở, hiểu hơn về tình trạng sức khoẻ, bệnh của mình, biết được hành trình sẽ đi đến đâu.

Chúc các bạn một ngày mới an toàn, mừng là Việt Nam đang kiểm soát rất tốt các ổ dịch, mong dịch đi qua nhưng chúng ta vẫn phải tự bảo vệ mình và người thân mọi lúc mọi nơi, đến khi được chắc chắn chủng ngừa COVID-19.