Hà Giang hứng chịu trận mưa lũ lịch sử trong vòng 60 năm trở lại đây. Ảnh HB Hà Giang.
Đêm 20 rạng sáng 21/7, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên các tỉnh vùng núi Bắc Bộ đã xảy ra một đợt mưa to đến rất to, nhiều nơi đã xảy ra dông lốc mạnh, sét, lũ quét và sạt lở đất.
Đặc biệt mưa lớn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Lượng mưa phổ biến trong 24 giờ đạt từ 100 – 300mm. Tại Thành phố Hà Giang có mưa đặc biệt to, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347mm. Đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay.
Hà Giang là tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc. Những ngày gần đây, nhiều khu vực của Trung Quốc cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Từ đó, nhiều người cho rằng, mưa lũ tại TP Hà Giang vừa qua có mối liên hệ với đợt mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc.
Lý giải điều này, ngày 22/7, ông Bùi Đức Tuấn - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc đã bác bỏ thông tin trên.
“Mưa xuất hiện tại chỗ, do chính vùng mây hội tụ hình thành tại khu vực, không phải do mây từ những nơi khác di chuyển đến. Do đó, mưa lũ ở Hà Giang đêm 20/7 và ngày 21/7 không liên quan đến mưa lũ ở bên Trung Quốc", ông Tuấn nói.
Chuyên gia bác bỏ tin mưa lũ tại Hà Giang có liên quan đến mưa lũ đang hoành hành tại Trung Quốc. Ảnh HB Hà Giang.
Trước đó, ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng nhận định, nguyên nhân của các đợt mưa lớn ở khu vực phía Đông và Đông Nam của Trung Quốc là do tác động của một dải mây Front (gọi là Front Mei-yu). Dải mây này là nguyên nhân gây ra mưa lớn cùng lũ lụt ở Nam Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 5, tháng 6 và Nhật Bản trong tháng 6, tháng 7. May mắn là Front Mei-yu ít tác động đến khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Nói về nguyên nhân của đợt mưa lớn đang diễn ra ở Hà Giang và các tỉnh miền núi Bắc Bộ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc cho biết, đây là một trong những hiện tượng do áp cao cận nhiệt đới lấn sâu vào nội địa gây ra.
Hình thái này kết hợp với xoáy và gió trên cao tồn tại 1-2 ngày ở khu vực Hà Giang mà không di chuyển đi nơi khác, do đó, dẫn đến hiện tượng mưa các nơi không đồng đều. Thông thường các đợt mưa lớn ghi nhận lượng mưa trên 200mm/24h, riêng tại TP Hà Giang có mưa to lên đến trên 350mm/24h.
Bên cạnh đó, TP Hà Giang có địa hình gần như một thung lũng, xung quanh thành phố là các rãnh núi cao. Sau khi mưa xong, lượng nước ứ đọng tại các điểm đổ dồn về rất nhanh, đồng thời hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được mức độ đô thị hóa nên xảy ra ngập sâu.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 22/7, mưa lũ tại Hà Giang đã khiến 5 người chết, trong đó 3 người do sạt lở đất (2 mẹ con ở xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì và 1 người tại TP Hà Giang), 2 người bị lũ cuốn trôi (1 người tại huyện Bắc Quang và 1 người tại huyện Bắc Mê); 2 người khác bị thương. Khoảng 600 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng do mưa lũ; hơn 200ha lúa và hoa màu thiệt hại; nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập sâu, sạt lở gây ách tắc giao thông… Ước tính thiệt hại trên 80 tỉ đồng. Đặc biệt, hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Thái An (huyện Quản Bạ) phải dừng hoạt động do lũ ống kéo theo hàng ngàn m3 đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc. |