Hình ảnh được cho là từ Google Maps làm dấy lên đồn đoán về sự biến dạng của đập Tam Hiệp, tuy nhiên quản lý tập đoàn Tam Hiệp cho biết bức ảnh này không phản ánh đúng sự thật.
Tờ Asia Times hôm 21/7 dẫn tin từ hãng Tân Hoa xã cho hay, tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị phụ trách quản lý đập Tam Hiệp, cho biết một số phần ngoại vi của đập thủy điện lớn nhất hành tinh bị vênh.
"Sự biến dạng nhẹ" của đập Tam Hiệp xảy ra hôm 18/7 sau khi đợt lũ từ các tỉnh thành phía tây, dọc thượng nguồn sông Dương Tử như Tứ Xuyên hay Trùng Khánh đạt đỉnh ở mức kỷ lục 61.000 m3/s, theo tập đoàn Tam Hiệp.
Đơn vị quản lý đập Tam Hiệp còn lưu ý các phần của con đập bị biến dạng nhẹ, tác động tới một số cấu trúc ngoại vi, và việc các bức tường của đập bị thấm nước cũng được ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần qua khi nước lũ được giải phóng. Tuy nhiên, tình trạng tường bị thấm nước không kéo dài lâu.
Tân Hoa xã nhấn mạnh, mọi số liệu của đập Tam Hiệp vẫn đạt tiêu chuẩn và biến dạng nhẹ nằm trong tính toán khi thiết kế đập.
Wang Hao, thành viên của Học viện kỹ thuật Trung Quốc và Ủy ban quản lý sông Dương Tử, thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cũng cho rằng đập Tam Hiệp đủ sức chịu được tác động của lũ lụt với gấp đôi khối lượng tốc độ dòng chảy được ghi nhận tại đợt lũ hôm 18/7.
Zhang Shuguang, giám đốc Văn phòng quản lý của tập đoàn Tam Hiệp, ủng hộ nhận định của ông Wang, cho rằng không gì có thể đe dọa đập Tam Hiệp trong 500 năm tới và chưa một chiếc nào trong số 12.000 cảm biến, được đặt trong các khối bê tông của con đập, nhấp nháy báo hiệu trên bảng điều khiển trung tâm.
Zhang nói thêm rằng đập Tam Hiệp được xây dựng bằng bê tông nên rất chắc chắn. Ngoài ra, đây là đập trọng lực, được thiết kế để giữ nước bằng cách lợi dụng trọng lượng nước chống lại chính áp lực ngang mà nước dồn vào nó. Theo ông Zhang, mỗi phần của con đập sẽ duy trì ổn định và không phụ thuộc vào các phần khác ngay cả khi một phần đập bị vỡ.
Tuy nhiên, giám đốc Văn phòng quản lý của tập đoàn Tam Hiệp cảnh báo các biện pháp kiểm soát lũ lụt của toàn bộ lưu vực sông Dương Tử không thể chỉ trông cậy vào đập Tam Hiệp.
Trung Quốc đang trong một đợt huy động tổng lực khác sau đại dịch Covid-19 khi phần lớn các tỉnh thành phía nam đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với mực nước ở nhiều sông lớn dâng cao, đổ về sông Dương Tử.
Theo SCMP, mưa lũ kể từ đầu tháng 6 đã buộc 1,8 triệu người ở 24 tỉnh thành, chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, phải sơ tán. Theo Bộ Ứng phó khẩn cấp Trung Quốc, thiệt hại trực tiếp do lũ lụt gây ra ước tính lên tới 49 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD). Hiện tại, ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích do mưa lũ bất thường ở Trung Quốc.